Tin mới

"Doanh nghiệp đang phải tự thân vận động"

Thứ hai, 13/10/2014, 09:54 (GMT+7)

Đó là ý kiến của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh\nnghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội. Theo ông Anh, hiện nay các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn tự thân vận động,\nchưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng và cụ thể từ phía Nhà nước.

 

Đó là ý kiến của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội. Theo ông Anh, hiện nay các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn tự thân vận động, chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng và cụ thể từ phía Nhà nước.

 

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2014), PV đã có buổi trò chuyện với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội về vai trò và những đóng góp của các Doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 PV: Thưa ông, hiện nay các doanh nghiệp đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông có nhìn nhận như thế nào về vai trò của các doanh nhân đối với sự phát triển này?

 Ông Mạc Quốc Anh: Có thể nói, Doanh nhân, doanh nghiệp như khung xương sống của một xã hội phát triển. Là những người thực hiện đầu tư, sản xuất vào các lĩnh vực thương mại và dịch vụ, các Doanh nhân đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần ổn định an sinh xã hội. Ngoài ra, Doanh nhân cũng là biểu tượng văn hóa của một nước khi họ kinh doanh, phân phối hàng hóa Việt Nam ra nhiều nước khác trên thế giới.

PV: Để các Doanh nhân ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của mình, chúng ta nên làm gì, thưa ông?

Ông Mạc Quốc Anh: Vai trò của Doanh nhân đã được ghi nhận trong những năm qua, đặc biệt khi Thủ đô được mở rộng thì vai trò đó càng lớn hơn. Vì các hoạt đông sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ đóng góp rất nhiều cho cộng đồng xã hội.

 Hiện nay, tầng lớp Doanh nhân đã có một vị thế nhất định trong xã hội. Tiếng nói của họ đã được xã hội coi trọng và để ý đến rất nhiều. Ở các kỳ họp Quốc hội hay trong Hiến Pháp, Chính Phủ cũng đưa tầng lớp này vào những vị trí hết sức quan trọng.

 Ngày 13/10 hàng năm được lấy làm ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của các Doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là một minh chứng để thấy rằng, Chính Phủ đã và đang quan tâm rất nhiều đến tầng lớp Doanh nhân. Việt Nam muốn trở thành một nước giàu mạnh, thì cần phải có một lực lượng Doanh nhân vừa hồng vừa chuyên.

 PV: Đối với Thủ đô Hà Nội thời gian qua đã có những Chính sách gì để khuyến khích, ghi nhận sự đóng góp của các doanh nhân?

 Ông Mạc Quốc Anh: Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 95%, 5% còn lại là các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp là lực lượng đóng góp trên 40% GDP của thành phố.

Nhiều doanh nghiệp khi mới thành lập, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, có những doanh nhân  còn phải mang cả nhà cửa, vốn liếng của mình ra để đầu tư. Đến nay, họ đã thành đạt và đóng góp từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước. 

 Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, Hà Nội phải ghi nhận công lao to lớn của các doanh nhân đã lao tâm khổ tứ, tận tâm với doanh nghiệp, mang hết tuổi trẻ, sức lực của mình để cống hiến.

 Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Viêt Nam (13/10/2004 - 13/10/2014), xã hội cần ghi nhận và đánh giá cao hơn nữa những thành tích của các Doanh nhân, những người đã tạo nên thành công của doanh nghiệp.

 PV: Theo ông, những khó khăn mà hiện nay các doanh nhân, doanh nghiệp đang gặp phải là gì? Các cơ quan quản lý cần có những biện pháp gì để tháo gỡ những khó khăn đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hơn nữa?

Ông Mạc Quốc Anh: Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế đất. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn tự thân vận động, chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng và cụ thể từ phía Nhà nước.

Về mặt bằng sản xuất, các doanh nghiệp khó tiếp cận do hồ sơ quá phức tạp, thiếu thông tin mà chi phí lại lớn. Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu vốn và mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ cũng đã triển khai những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tín dụng. Nhưng mới chỉ có một lượng nhỏ các doanh nghiệp tiếp cận được.

 Phần lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp trở ngại vì thủ tục cho vay quá phức tạp mà họ lại không có đủ tài sản để thế chấp. Lãi suất chưa phù hợp ở từng thời điểm nên các doanh nghiệp đã khó nay lại càng khó hơn.

 Ðể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, các cơ quan quản lý cần có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Mặc dù đã tiến hành cải cách hành chính, nhưng gần đây, thủ tục hành chính vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 Còn đối với Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, chúng tôi sẽ chủ động tìm hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp. Từ đó kiến nghị lên các cấp thành phố, Quốc hội, Chính phủ đề nghị có chính sách tháo gỡ để giúp đỡ doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

Theo Phan Thuỷ/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news