Theo PGS Hùng, tác giả đã thiết kế các hình tròn, hình vuông để học sinh bước đầu có ý niệm, nhận biết được các âm tiết trong chuỗi lời nói Tiếng Việt chứ không phải học để đọc.
Dùng hình tròn, hình vuông là trong giai đoạn đầu của học đánh vần
Những ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền khá nhiều đoạn clip ghi lại cảnh tiểu học tập đọc, trong đó, thay vì đọc các chữ cái hay những từ thì các bé chỉ tay vào biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác... để đọc.
Trao đổi với PV, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục cho biết, đây là cách dạy của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.
Theo PGS Hùng, một số người chưa hiểu hết nên phê phán về việc sử dụng các hình tròn, hình vuông trong cách dạy của cuốn sách và cho rằng, dạy như vậy làm sao có thể đọc được.
"Thực ra đây chưa phải là giai đoạn học đọc mà đây là trong giai đoạn đầu của quá trình học đánh vần nên tác giả đã thiết kế các hình tròn, hình vuông để học sinh bước đầu có ý niệm, nhận biết được các âm tiết trong chuỗi lời nói Tiếng Việt chứ không phải học để đọc", PGS Hùng giải thích.
Ông cũng đề nghị, nếu cần, phóng viên có thể liên hệ thêm với tác giả cuốn sách là GS Hồ Ngọc Đại để được giải thích kỹ càng hơn việc này.
Ảnh cắt từ clip.
PGS Hùng chia sẻ thêm, so với SGK Tiếng Việt đại trà, thì cách tiếp cận của Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt quan trọng nhất là cách dạy đọc, trong đó có cách dạy đánh vần.
Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục dạy học đánh vần dựa trên cơ sở phân tích cấu trúc âm tiết tiếng Việt, và sử dụng các khái niệm, các thuật ngữ ngữ âm học, như nguyên âm, âm đệm, âm cuối.
Đồng thời, trong sách này cũng chủ trương phân biệt rạch ròi giữa âm và con chữ. Việc phân tích cấu trúc âm tiết và phân biệt âm với chữ là có cơ sở khoa học.
"Nhưng có cần như vậy khi dạy đánh vần cho học sinh hay không, đó là vấn đề vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Điều cần nói rõ là cách dạy đánh vần của Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục gây tranh cãi, thậm chí phản đối quyết liệt còn vì do nhiều người hiểu lầm là nó làm thay đổi chữ quốc ngữ, và tiếng Việt.
Thực chất là nó không làm thay đổi gì chữ viết và ngôn ngữ mà chỉ là một trong nhiều giải pháp giúp học sinh biết đọc thành tiếng và viết chính tả, mục đích mà tất cả các sách dạy học tiếng Việt lớp 1 đều phải hướng đến", PGS Hùng nêu.
Những điểm hạn chế của Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, so với SGK Tiếng Việt đại trà của Bộ GD-ĐT thì Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục chưa bảo đảm được mục tiêu một cách toàn diện.
"SGK Tiếng Việt lớp 1 đại trà bám sát và bảo đảm tốt hơn các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông. Riêng kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả thì Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục có một số ưu thế nhất định", ông Hùng nêu.
PGS. TS Bùi Mạnh Hùng.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục thông tin thêm, mặc dù có những ý kiến không đồng tình, nhưng số trường áp dụng và số giáo viên, cha mẹ học sinh ủng hộ Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục cũng không ít.
Ông Hùng không cho rằng Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục là giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt ở tiểu học.
"Quan điểm dạy học tiếng Việt của tôi khác biệt đáng kể với tác giả Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Tuy vậy, tôi ủng hộ quan điểm cần có những phương pháp khác nhau để dạy tiếng Việt cho học sinh mới bắt đầu đi học.
Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được sử dụng trong nhiều thập niên và trong bối cảnh chuẩn bị ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, Hội đồng Thẩm định QG đã đề nghị Bộ cho phép được tiếp tục sử dụng thêm một thời gian ngắn ở phạm vi hạn chế đến khi áp dụng SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến năm 2019", ông Hùng thông tin.
Hoàng Đan