Đổi mới giáo dục sẽ có tác động rất lớn đến giáo viên, đặc biệt những giáo viên dạy theo phương pháp đọc - chép sẽ phải thay đổi.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục trong Hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - từ tầm nhìn đến hiện thực” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển” diễn ra ngày 5/11 tại Hà Nội.
Thay đổi lối dạy truyền thống
Trước đây nói đến việc học người ta vẫn thường nghĩ đến một lối giảng dạy là thầy đọc trò chép nhưng với việc đổi mới Giáo dục sẽ có tác động căn bản và toàn diện đến chương trình và phương pháp dạy của giáo viên, đặc biệt là phương pháp dạy tích hợp.
Chia sẻ về điều này TS. Phạm Thị Ly – Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết: “Về phương pháp, chương trình mới coi trọng việc trải nghiệm của học sinh, thay cho lối tiếp thu thầy giảng - trò chép. Vai trò người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức mà là người tổ chức hoạt động để học sinh tự tìm kiếm tri thức để đạt đến hiểu biết thông qua trải nghiệm cá nhân của chính họ”.
TS. Phạm Thị Ly phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hạ Vân |
Tuy nhiên, với phương pháp dạy tích hợp này khiến cho không ít giáo viên đặc biệt là giáo viên THPT phải băn khoăn lo lắng. Bởi vì theo họ việc dạy tích hợp là tổng hợp các môn thuộc khối Tự nhiên hay khối Xã hội, thế nhưng trong quá trình đào tạo sư phạm thì họ chỉ việc chuyên sâu vào từng môn một nên để có thể huy động được kiến thức tổng hợp là một điều khó khăn.
“Các thầy cô lo ngại như vậy là bởi vì các thầy cô vẫn suy nghĩ theo cách cũ dạy là truyền giảng kiến thức nhưng khi chúng ta thay đổi chương trình giáo dục phổ thông lần này là chúng ta thay đổi về phương pháp là quan trọng hơn nhiều, kiến thức chỉ là một phần và phần nhỏ tạo nên chương trình giảng dạy thôi. Vì vậy chúng ta không cần phải quá lo ngại việc đó” – bà Ly cho biết thêm.
Song bà cũng khẳng định việc dạy truyền thống theo kiểu nhồi nhét kiến thức không phải là truyền thống có vài bữa mà đã có hàng nghìn năm nay. Và thay đổi nó không hề dễ dàng.
Cần tạo điều kiện cho giáo viên
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo để có thể phát huy được tối đã phương pháp dạy học mới thì bên cạnh vấn đề về năng lực thì sự nhiệt tình tâm huyết của giáo viên cũng là điều cốt lõi. Vì vậy, để giáo viên có thể yên tâm với việc giảng dạy, tiếp thu cái mới thì họ cần phải được tạo điều kiện trên mọi mặt.
“Sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới thành công phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Đào tạo và tái huấn luyện đội ngũ giáo viên cho họ am hiểu cách tiếp cân giáo dục mới và thực thi tình thần ấy là điều quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là khía cạnh thứ hai của vấn đề là động lực làm việc của người thầy” - TS. Phạm Thị Ly cho biết.
Đồng quan điểm với bà Ly,TS. Tùng Lâm – Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: “Để nguồn lực giáo viên biến thành hành động điều kiện quan trọng là giáo viên phải thực hành; phải tổ chức giáo viên thao giảng, dự giờ ... phải đánh giá đúng từ giáo viên và lấy ý kiến học sinh để tạo xem sự phù hợp của thầy tạo ra với trò như thế nào. Cuối cùng là tạo động lực cho giáo viên thay đổi như thế nào? Ngoài việc ổn định nguồn lương thì công việc của giáo viên phải có hiệu quả tức là công tác bồi dưỡng của chúng ta phải làm sao cho nó chỉnh chu thay đổi và thứ 2 là tấm gương của hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải biết cách động viên, khích lệ và gắn kết với giáo viên”.
Hạ Vân