Thủ tướng đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 tàu cá của cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, để góp phần hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã và đang đẩy nhanh triển khai chương trình đóng tàu cá vỏ sắt thay thế vỏ gỗ và một số tàu kiểm ngư".
Riêng chương trình tàu cá vỏ sắt đã được xây dựng cách đây nhiều năm, vừa qua đã được Chính phủ quan tâm, bố trí vốn triển khai thực hiện. Tại hội nghị phát triển thuỷ sản ở Đà Nẵng gần đây, Thủ tướng đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 tàu cá của cả nước. Tổng số vốn đầu tư cho đóng 3.000 tàu cá vỏ sắt đầu tiên là 10.000 tỷ đồng.
Mẫu tàu đánh cá lưới rê Hải Âu do Tổng công ty công nghiệp Đóng tàu Việt Nam đóng tại Nam Định. Nguồn ảnh: Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP.HCM.
Trước đó, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy đã thí điểm đóng mẫu 6 tàu cá vỏ sắt từ cuối năm 2013. Đến nay, 3 chiếc đã được bàn giao cho ngư dân hai tỉnh: Nam Định, Quảng Ngãi. Sau khi bàn giao, ngư dân đã đưa tàu đi đánh cá và khen ngợi, đánh giá cao mô hình tàu cá vỏ sắt. “Với lợi thế của tàu cá vỏ sắt hiện đại, ngư dân có thể thu hồi vốn trong vòng 3-5 năm, đủ chi trả cho đầu tư khoảng 4-5 tỷ đồng cho một tàu đóng mới. Một số ngư dân làm ăn hiệu quả có thể thu hồi vốn ngay trong vòng 1-2 năm” – ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Ông cho biết thêm: “Ban đầu một số ngư dân chưa quen tàu sắt, sợ tốn nhiên liệu vì công suất máy lớn, thường hơn 400 sức ngựa trở lên. Nhưng sau mấy chuyến đi biển về nhiều ngư dân đã thấy được tốc độ tàu nhanh hơn, lại tiết kiệm được 15% nhiên liệu. Tàu có khoang chứa lưới lớn, có khoang chứa ngư cụ, khoang bảo quản sản phẩm. Tàu cá vỏ sắt còn trang bị máy dò cá, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Trước kia ngư dân đi tàu gỗ không bảo quản sản phẩm được lâu nay có thiết bị bảo ôn có thể bảo quản sản phẩm tốt, giúp đi biển được dài ngày hơn. Trước tàu gỗ chỉ đi được sóng cấp 4-5, nay sóng cấp 7,8 vẫn có thể đi biển được”.
Mẫu tàu đánh cá lưới vây Hoàng Anh do Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam đóng tại Quảng Ngãi. Nguồn ảnh: Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP.HCM.
Lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cho biết, đến nay, rất nhiều địa phương có hiệp hội nghề cá đã đề xuất với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy để sớm triển khai chương trình đóng tàu cá vỏ sắt, như: các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, TP.HCM…
Ngày 12/6 tới đây, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ tổ chức cuộc hội thảo lớn ở Quảng Bình để giới thiệu các đội tàu cá và giới thiệu những ưu việt của sản phẩn tàu cá vỏ sắt. “Với năng lực của chúng tôi và nếu đủ nguồn tài chính thì một năm có thể đóng được 400 tàu cá vỏ sắt, cứ hai tháng ra một tàu, thậm chí nếu tập trung cao độ theo phương thức “gối đầu” thì có thể 5 ngày cho ra một tàu”, ông Nguyễn Ngọc Sự khẳng định.
Mẫu tàu đánh cá Bảo Duy do Tổng công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam đóng tại Đà Nẵng. Nguồn ảnh: Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP.HCM.
Liên quan tới các dự án đóng tàu cá vỏ sắt, PGS.TS, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Biển TPP.HCM cho biết, vào ngày 7/6 tới, tại TP.HCM, Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP.HCM sẽ tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Đóng tàu đánh cá vỏ thép” để trao đổi về ba phương án tàu mẫu dùng lưới rê, lưới vây và lưới kéo của Tổng công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam.
Theo Nguyên Minh/Quân Đội Nhân Dân