(Tinmoi.vn) Bức xúc vì việc đường Trường Chinh đang thẳng bỗng dưng bị bẻ cong, hơn 26 hộ dân tổ 40, phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội cho biết sẽ kiện đến cùng.
Liên quan đến nghi vấn đường Trường Chinh đang thi công bị bẻ cong vì “né nhà quan chức cấp cao”. Ngày 29/3, PV đã có buổi tiếp xúc với người dân tổ 40, phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Tất cả những hộ dân mà PV, tiếp xúc đều tỏ ra hết sức bức xúc trước việc TP.Hà Nội bẻ cong con đường vốn dĩ rất thẳng.
Đang thẳng thành cong
Theo như trình bày của người dân, từ năm 2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) xây dựng phương án quy hoạch tuyến đường theo phương án lấy về phía bắc 20 m, còn lại lấy về phía nam, bề rộng đường sau khi mở rộng là 53,5m. Sau đó, phương án này được đưa ra lấy ý kiến Quân chủng PKKQ. Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ có công văn (số 193) gửi UBND TP.HN về việc này và có đề nghị với UBND TP.HN và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội về việc giải tỏa đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cầu cống Chéo (tên gọi khác là cầu Phương Liệt – sông Lừ) để tránh tốn kém cho nhà nước và nhân dân:
“ - Phía bắc đường Trường Chinh: Lấy mép đường phía bắc sâu vào 7m
- Phía nam đường Trường Chinh sẽ phát triển cho đủ mặt cắt của đường là 53,5m.
Việc mở rộng xuống phía nam đoạn đường trên không làm ảnh hưởng đến quy hoạch của Quân chủng và các công trình ngầm và nổi của Quân chủng.”
Sau đó, Quân chủng PK-KQ hoàn thành các hồ sơ liên quan theo yêu cầu của Phòng Kế hoạch/Viện Quy hoạch TP.HN và được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng chấp thuận theo bản đồ đo đạc và đường chỉ giới đỏ mà QCPK-KQ lập (theo công văn số 301/PKKQ - PV). Và một lần nữa, QCPK-KQ khẳng định bản đồ đo đạc và đường chỉ giới đỏ không ảnh hưởng gì đến các công trình Quốc phòng.
Ngoài Quân chủng PKKQ, đoạn đường còn đi qua nhiều đơn vị khác nên năm 2006, UBND TP.Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng. Đến năm 2007, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên có văn bản số 762 thống nhất chỉ giới đường đỏ theo hướng lấy sâu vào phía bắc 6m, còn lại phát triển về phía nam cho đủ mặt cắt đường là 53,5 m.
Bản đồ quy hoạch TP.Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện đường Trường Chinh không bị bẻ cong như hiện tại. |
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 108/1998 QĐ.TTg (ngày 20/6/1998) và quyết định số 1259 QĐ-TTg (ngày 26/7/2011) và bản vẽ quy hoạch của Bộ Quốc phòng đề nghị lên UBND TP.HN đều hiển thị đường Trường Chinh là đường thẳng, không bị uốn cong. Và trên thực tế, con đường này cũng rất thẳng.
Thế nhưng, không hiểu sao trong quyết định số 19/2008/QĐ-UBND do UBND TP.HN ban hành về việc phê duyệt con đường chỉ giới đỏ vành đai II (Trường Chinh) lại bị uốn cong một cách khó hiểu.
Con đường đang được thiết kế thẳng (đường chỉ giới màu đỏ theo quyết định số 108 QĐ-TTg) bỗng dưng bị bẻ cong (đường màu xanh theo quyết định số 19 của UBNDTP.HN) một cách khó hiểu. Ảnh Đức Thuận |
Chính điều này đã khiến hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi “đường cong bất ngờ” phản đối quyết định 19. Đến đầu tháng 10/2013, dự án đường Trường Chinh được khởi công với tổng mức đầu tư 2.560 tỉ đồng (trong đó, hơn 2.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, do người dân không đồng ý với “đường cong” mà UBND TP.Hà Nội phê duyệt nên khi thi công đến đầu ngõ 150 (thuộc tổ dân phố 40, p.Khương Thượng) họ không đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, dẫn đến việc con đường đang thi công dở dang bị đình trệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tham gia giao thông của người dân.
Theo phản ánh của người dân dọc trục đường Trường Chinh, đoạn đường đang thi công từ ngã tư Tôn Thất Tùng – Trường Chinh đến ngõ 150, Trường Chinh, đơn vị thi công chỉ mở rộng vào phía Bắc đường (phía Đại học Y Hà Nội, đối diện Quân chủng PK-KQ) từ 3-5m. Thế nhưng đến ngõ 150, con đường bỗng dưng bị mở rộng vào khoảng 15m có đoạn bị lấy vào đến 25m thành 1 đường chéo kéo dài cho đến ngã tư Vọng. Sự đổi hướng đột ngột này đã biến con đường từ thẳng trở thành cong.
Xe buýt phải oằn mình khi đi qua "đường cong" này. |
Cô Nguyễn Thị Minh (nhà số 148, Trường Chinh) bức xúc: “Con đường đang thẳng bỗng dưng lại làm nó trở thành cong, sai hẳn với thiết kế đã thống nhất giữa Bộ Quốc phòng – Quân chủng PK-KQ – UBND TP.Hà Nội trước đó (?!). Tại sao, phía đầu đường Tôn Thất Tùng đến ngõ 150 lại chỉ có lấy vào 3-5m mà từ ngõ 150 trở đi lại mở rộng vào đến 15-20m. Phải chăng, do phía đó (ám chỉ đoạn đường mở rộng 3-5m-PV) là nhà các quan chức cấp cao nên họ không dám đụng đến?.”
Cũng cùng nghi vấn trên, Đại tá Nguyễn Tâm Trinh – nguyên Phó tư lệnh binh chủng Rada – Quân chủng PK-KQ chia sẻ: “Khu vực đó đúng là nhà của một số quan chức cấp cao. Việc thi công né nhà cán bộ cao cấp cũng có khả năng xảy ra. Tôi xin miễn bình luận, chỉ mong UBND TP.Hà Nội thi công đúng với thiết kế đã thống nhất với Bộ Quốc phòng – Quân chủng PK-KQ.”
Quyết đòi nắn lại đường
Vừa chỉ tay vào bản đồ quy hoạch, ông Nguyễn Quang Minh (nhà số 144, Trường Chinh) nói: “Theo bản đồ quy hoạch đường Trường Chinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, Quyết định số 1259/2011/QĐ-TTg và UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 32/2000/QĐ-UB… có thể thấy rõ đường Trường Chinh được quy hoạch rất thẳng và hợp lý. Ngay cả trong bản vẽ quy hoạch của Bộ Quốc phòng đề nghị lên UBND TP.HN để thống nhất phương án thi công cũng thể hiện rõ đường sau khi mở rộng không hề có điểm cong, uốn lượn nào”.
Ông Nguyễn Quang Minh đang chỉ cho PV thấy những quy hoạch trước đó được thông qua đường Trường Chinh không hề cong như bây giờ. |
Với thái độ hết sức bức xúc, ông Minh cho biết, bản vẽ của Bộ Quốc phòng đã được người dân thống nhất. Đồng thời, vì đường mở rộng chủ yếu về phía Nam (đất của Quân chủng PK-KQ) nên sẽ giảm được hàng ngàn tỷ đồng chi phí đền bù so với mở rộng về phía Bắc. Tuy nhiên, không hiểu sao con đường đang thẳng lại bỗng nhien bị bẻ cong, đồng thời “húc bay” hàng trăm căn nhà và chi phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng lên hàng trăm-nghìn tỷ đồng. “Một quyết đinh hết sức khó hiểu của TP Hà Nội” – ông Minh thở dài.
Cũng theo ông Minh, cá nhân ông và người dân tổ 40 đã gửi hàng trăm lá đơn đến các cơ quan, các cấp có thẩm quyền. Thế nhưng, 3 năm nay người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.
“Dân sẽ khiếu kiện đến cùng, Hà Nội phải có trách nhiệm với vấn đề này” – người dân tổ 40 nhấn mạnh.
Đức Thuận