(Tinmoi.vn) Thầy Thích Hạnh Nguyên, trụ trì chùa Tảo Sách (Lạc Long Quân – Tây Hồ - Hà Nội) - em trai của thầy Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề cho biết, nhà thờ họ là do các sư và người trong họ cùng làm. Nhà thờ được làm bằng bê tông, chi phí chỉ vài trăm triệu.
-Sự việc liên quan đến chùa Bồ Đề được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua. Xin thầy cho biết quan điểm của thầy về sự việc này?
-Khi đọc được các thông tin nói chùa Bồ Đề liên quan đến đường dây mua bán trẻ em, tôi đã gọi điện và được thầy cho biết đã làm đơn gửi cơ quan chức năng để vào cuộc thanh tra. Sau một thời gian, cơ quan điều tra cũng tìm ra được đối tượng có hành vi phạm pháp.
Việc người giúp việc ở chùa Bồ Đề, nương nhờ cửa phật nhưng lại lợi dụng bên ngoài làm việc xấu là việc đáng tiếc. Tuy nhiên, từ việc này có những thông tin thiếu chính xác, nói xấu sư Đàm Lan và những người tu hành đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Giáo hội phật giáo.
Thầy Đàm Lan nhận cưu mang nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, cơ nhỡ làm từ năm 1989 đến giờ trong điều kiện nhà chùa chật chội, thiếu thốn kinh phí. Mỗi lần sang thăm chùa chứng kiến cảnh chùa nuôi dưỡng hàng trăm trẻ bận rộn, nhất là tí tí lại có trẻ phải đi viện tôi thấy rất khổ tâm. Đã có lần tôi khuyên thầy nên bỏ hoặc hạn chế số trẻ nhận nuôi nhưng tâm nguyện từ nhỏ, khổ độ chúng sinh thầy vẫn cố gắng làm dù rất vất vả, lại còn bị điều tiếng. Các cháu cứ bị người lớn đưa đến để trước cổng chùa mà nhà chùa không đưa vào nuôi cũng không được, cái tâm của thầy không đành.
Hơn nữa, ngay từ nhỏ (khi chưa xuất gia), sư thầy đã có ước nguyện cưu mang, nuôi dưỡng cho các trẻ bỏ rơi, mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Hiểu được cái tâm của thầy, trước mọi luồng tin trái chiều tôi vẫn luôn có niềm tin thầy không bao giờ làm cái việc thất nhân, thất đức mua bán trẻ em.
Sư Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề
-Còn về thông tin liên quan đến 1.500 m2 đất ở gần chùa Bồ và cả việc sư thầy đánh đập, cho các cháu ăn 1.000 đồng/ngày thì sao thưa thầy?
-Ngôi chùa Bồ đề chốn tổ đã lâu đời. Từ khi thầy Đàm Lan về trụ trì nơi này đã cố gắng sửa sang, nâng cấp để được như hôm nay. Trước ngôi chùa lụp xụp lắm nhưng do kinh phí không có nên phải chắp vá, sửa sang suốt thời gian dài. Trước tiên là trùng tu cửa Tam Bảo, sau là nhà thờ tổ, nhà khách.
Trong lúc xây dựng nhà chùa có đề nghị thành phố ban ngành cấp cho (bán với giá nhà nước - PV) 1.500 m2 với ý định xây riêng khu cho các cháu nhỏ ở. Lúc đó sẽ có điều kiện phân loại trẻ nhỏ với người già, trẻ nhiễm HIV… Thế nhưng sư thầy chưa kịp làm thì xảy ra sự việc trên. Khu đất đó hiện để trống, hoàn toàn không có chuyện sư thầy cho người nhà ở như một số thông tin thất thiệt đăng tải trên mạng.
Việc một số trang mạng đưa ý kiến người nọ, người kia nói thầy chùa đánh đập, cho các cháu ăn 1.000đ/ngày là sai sự thật, đổ tiếc ác cho nhà chùa. Chúng tôi xuất gia tu hành là có tâm nguyện khổ độ chúng sinh, sao có thể làm những việc ác như thế được.
Còn trong việc chùa Bồ Đề thực hiện việc nuôi dưỡng trẻ không đúng quy định pháp luật, thủ tục hành chính lẽ ra chính quyền địa phương, Sở Lao động-Thương binh xã hội nên hướng dẫn thầy chùa Bồ Đề làm việc này. Thầy chùa nuôi trẻ từ năm 89 đến giờ, các cơ quan ban ngành nhà nước, địa phương đều biết và đã đến thăm lẽ ra phải hướng dẫn cho sư thầy làm các thủ tục hành chính. Bây giờ người ta đến, sư thầy chỉ biết nuôi người thôi chứ không thể hiểu hết hết quy định phát luật về nuôi trẻ em.
Nhà thờ họ là do các sư và người trong họ cùng làm. Nhà thờ được làm bằng bê tông, chi phí chỉ vài trăm triệu.
-Cũng liên quan đến sư thầy Đàm Lan, một số nguồn tin cho rằng thầy chùa là người đứng ra xây dựng nhà thờ họ ở quê với kinh phí hàng chục tỷ, ngoài ra còn có khối tài sản lớn. Xin thầy cho biết, tính xác thực của thông tin này.
-Nhà thờ họ là do tôi cùng các sư thầy và mọi người trong dòng họ đóng góp chứ không phải do mình thầy Đàm Lan. Về kiến trúc, thi công là do tôi đứng ra, thầy Đàm Lan không trực tiếp làm nên cũng không nắm rõ việc này.
Các thầy xuất gia mấy chục năm nay mà bây giờ mới khôi phục được nhà thờ họ. Hơn nữa, nhà thờ làm bằng bê tông chứ đâu phải gỗ quý gì, bên trong chưa có gì. Kinh phí đến nay chỉ vài trăm triệu, còn chưa khánh thành, đưa vào sử dụng. Các sư lấy đâu ra nhiều tiền mà nói làm nhà thờ hàng chục tỷ. Một số người cứ nói vống lên cho được, làm mất hết đạo đức. Chụp lên ảnh thì nhìn tưởng to chứ căn nhà có ba gian, bên trong còn rỗng chứ đâu có to tát gì.
Nếu thầy Đàm Lan có nhiều tài sản thì chùa Bồ Đề đã hoàn thành lâu rồi chứ không phải xây dựng chắp vá, kéo dài lê thế hàng chục năm như thế. Bản thân tôi xuất gia ăn chay với tâm nguyện phục vụ tín ngưỡng chứ có làm gì phục vụ cá nhân đâu. Các sư đi tu cần tài sản để làm gì, cần tài sản để cho ai. Vừa qua xảy ra vụ việc trên rồi xuất hiện các nguồn thông tin bôi bác, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín phật giáo khiến nhiều người hoang mang, bản thân người tu hành như tôi rất là buồn.
-Trước những sự việc vừa qua, chắc hẳn sư Đàm Lan cũng rất mệt mỏi, căng thẳng, liệu sức khoẻ của thầy có bị ảnh hưởng, thưa thầy?
- Thời gian vừa rồi tôi biết thầy bận nên cũng không sang. Qua điện thoại, tôi được biết thầy rất vất vả vì vừa lo việc chùa, vừa phải phối hợp với cơ quan công an làm sáng tỏ các nghi vấn liên quan đến nhà chùa, thậm chí có hôm thầy phải làm việc đến 2-3h sáng. Chính vì thế, dù biết là mình không làm việc gì xấu nên tinh thần không sao nhưng sự việc kéo dài khiến thầy cũng thấy mệt mỏi.
-Được biết, gia đình thầy có nhiều người xuất gia. Vậy xin thầy chia sẻ một chút về nghiệp đi tu của gia đình mình?
- Gia đình tôi có 7 anh chị em thì có 6 anh chị em xuất gia, thầy Đàm Lan là thứ 3. Trong nhà có duy nhất ông anh cả không theo nghiệp đi tu nhưng sau này 3 con trai của ông cũng có duyên với nhà chùa và đến nay đều xuất gia, đang làm trụ trì các chùa.
Ngày xưa các cụ đi chùa, sau chúng tôi lớn lên hiểu giáo ý nhà phật, tự nguyện xuất gia đi tu chứ không có ái ép cả, bố mẹ cũng không é. Các cháu con ông anh cả cũng thế, các cháu có tâm nguyện thì tự đi thôi.
-Việc các thầy trong gia đình sau khi xuất gia đều làm trụ trị các chùa lớn ở các thành phố là do cái duyên và năng lực của mỗi người, thưa thầy?
-Phật giáo Việt Nam được quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, quy trình bổ nhiệm trụ trì chùa cũng rất chặt chẽ đúng quy định của Giáo hội. Việc các thầy sau này đều làm trụ trì các chùa lớn tại các thành phố cũng là do cái duyên với chùa và năng lực, trình độ của mỗi người nên được giáo hội phật giáo phân công về các nơi chứ không hề có sự tác động từ đâu cả. Các sư có nguyện vọng sau đó phải được giáo hội phật giáo Trung ương, Thành hội, tỉnh hội và địa phương xem xét quyết định phân về đâu chứ không phải thích là được. Chính vì thế, không có chuyện sư chọn chùa giàu, chê chùa nghèo. Mọi thông tin bóp méo sự thật đều ảnh hưởng đến phật giáo.
Xin cảm ơn thầy!
Đức Thuận-Hồng Minh