Giá dầu trên thế giới giảm mạnh xuống dưới mức 70 USD/ thùng khiến nhiều quốc gia trên thế giới khốn đốn. Bộ Năng lượng Mỹ là một trong những tổ chức thiệt hại nặng nhất với 700 triệu thùng dầu dự trữ trên khắp cả nước với tổng thiệt hại lên đến 35 tỷ USD (tương đương hàng trăm tỷ đồng).
Với mức giảm lên đến 40% so với mức giá 115 USD/ thùng hồi tháng Sáu thì đây là mức giảm sâu nhất trong vòng gần 5 năm qua trên thị trường dầu mỏ thế giới
Việc giá dầu giảm mạnh đã khiến kho “Dự trữ dầu mỏ chiến lược” (SPR) của Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã bốc hơi 35 tỷ USD từ tháng 6 khi dự trữ 700 triệu thùng dầu. Tuy nhiên, Chính phủ cho biết họ trả trung bình gần 30 USD cho mỗi thùng dầu nắm giữ. Vì vậy, giá hiện tại vẫn còn lớn hơn chi phí.
SPR được lập ra để bảo vệ Mỹ trong trường hợp các hãng lọc dầu nước này bị gián đoạn nguồn cung. Lần cuối cùng Mỹ dùng lượng dầu dự trữ đáng kể từ kho này là năm 2011, do ảnh hưởng của cuộc nội chiến Libya. Năm 2005, sau cơn bão Katrina, Mỹ cũng phải cầu viện đến kho này. Tuy nhiên, SPR được bổ sung liên tục và hiện dự trữ ở mốc cao nhất mọi thời đại.
Giá trị kho SPR giảm không thực sự ảnh hưởng đến ngân sách Chính phủ, CNN cho biết. Vì vậy, người Mỹ cũng không cần phải lo lắng chuyện Chính phủ vỡ nợ hay cắt giảm chi tiêu công.
Nhiều người chỉ trích SPR thì cho rằng Mỹ đang dự trữ số dầu lớn quá mức cần thiết. Sản xuất dầu tại Mỹ đã tăng đáng kể những năm gần đây, và quốc gia này còn làm ra nhiều hơn cả Ảrập Xêút, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước. Thậm chí sắp tới, Mỹ còn có thể xuất khẩu dầu thô lần đầu tiên trong gần 40 năm.
Tuy nhiên, việc xăng dầu giảm không chỉ ảnh hưởng đến mỗi nước Mỹ. Tại Việt Nam, giá xăng dầu giảm khiến VN-Index nhanh chóng giảm sâu. Kết thúc phiên 9/12, VN-Index mất tới 16,37 điểm, tương ứng 2,86% và đóng cửa ở mức 555,31 điểm. Cổ phiếu dầu khí “đóng góp” rất lớn vào “đà rơi” của VN-Index. GAS là tâm điểm của thị trường khi giảm sàn. GAS giảm 5.500 đồng/CP xuống 5.500 đồng/CP xuống 75.500 đồng/CP.
GAS “lao dốc” khiến vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Khí Việt Nam mất 10.422,5 tỷ đồng (gần nửa tỷ USD). Tổng Công ty Khí Việt Nam là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá dầu giảm sâu. Đứng sau GAS về mức độ mất mát là PVD.
Hôm nay, PVD cũng giảm sàn khi mất 4.500 đồng/CP và dừng ở mức 65.000 đồng/CP. Giống như GAS, trên bảng giao dịch điện tử, bên dư mua PVD hoàn toàn trắng. PVD “thổi bay” 1.363,83 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí.
Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cũng được xem là ông lớn dầu khí. Trong khoảng thời gian nửa đầu 2014, PVS gây ấn tượng khi tăng rất mạnh và nằm trong danh sách các cổ phiếu sinh lời nhiều nhất trên cả 2 sàn.
Nhưng khi giá dầu “rơi tự do”, PVS cũng cùng chung “số phận” với GAS, PVD. Hôm nay, PVS giảm sàn, giảm PVS giảm 3.000 đồng/CP, tương ứng 10% và đóng cửa ở mức 27.600 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đã “bốc hơi” 1.340,1 tỷ đồng.
Ngành dầu khí còn thiệt hại hơn rất nhiều khi hàng loạt cổ phiếu họ dầu khí như PXI, PXT, PXS, PVC,… bị bán tháo và đua nhau giảm sàn.
Không những vậy, trong khi người dân hưởng lợi trực tiếp từ diễn biến giá dầu giảm thì ngân sách quốc gia lại chịu nhiều áp lực, khi mà nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô trong hơn 10 năm qua chiếm 10 - 30% tổng thu ngân sách.
Theo tin tức từ báo VnExpress, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, cứ một USD giá dầu giảm so với mốc 100 USD một thùng, ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Giả sử giá dầu giữ ở mức 60 USD trong năm sau, ước tính ngân sách có thể thất thu tới 40.000 tỷ đồng. Trong điều kiện các khoản thu và chi khác không thay đổi so với dự toán, con số hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng kia sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu giảm bội chi từ mức 5,3% GDP xuống 5% GDP vào năm 2015.
Bảo An (tổng hợp)