Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 14h ngày 24/9 (giờ Việt Nam), Giá dầu thô Brent giao tháng 11 được giao dịch ở mức 86,15 USD/thùng, giảm 4,31 USD, tương đương 4,76% so với hôm qua.
Đây có thể là mức thấp kỷ lục của dầu Brent trong vòng 8 tháng qua. Còn giá dầu WTI giao tháng 10 được giao dịch ở mức 78,74 USD/thùng, giảm 4,75 USD, tương đương 5,69% so với hôm qua. Giá dầu WTI cũng đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Có thể thấy, giá dầu thế giới liên tục sụt giảm do giới đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Các ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đang đẩy mạnh thắt chặt Chính sách để kìm hãm lạm phát.
Hơn nữa, trong cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Sau khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới cũng nâng lãi suất theo, làm gia tăng nguy cơ suy yếu cho nền kinh tế.
Trước đó, ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất 0,5%, đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 7 liên tiếp, và cho rằng nền kinh tế Anh "có thể đã suy thoái".
Bên cạnh đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã tăng lãi suất chuẩn lên 0,5%, chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm tại châu Âu. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng mạnh tay nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát trong tháng này.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Trung Quốc đang đối mặt với sự sụt giảm về nhu cầu dầu lớn nhất trong hơn 30 năm. Hiện này quốc gia tỷ dân này vẫn đang bị phong tỏa để đối phó với dịch Covid-19. Ngoài ra, cuộc khủng hoản trong ngành bất động sản cũng tạo áp lực lên sức mạnh tiêu dùng tại đất nước này.