Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm đến vấn đề chuyển các hoạt động sản xuất, lắp ráp iPhone về Mỹ. Nếu điều này thành hiện thực thì giá bán lẻ một chiếc iPhone sẽ lên tới gần 45 triệu đồng.
Người dùng Youtube truyền tay nhau một đoạn video kéo dài 2 phút về bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đoạn video ông đã thẳng thắn nêu rõ quan điểm của mình về các vấn đề thương mại. Một trong số đó là vấn đề sản xuất tất cả các bộ phận của iPhone tại Mỹ.
Ngay từ trong chiến dịch tranh cử và sau khi đắc cử Donald Trump luôn nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện để Apple có thể sản xuất các sản phẩm ngay tại Mỹ, vì về cơ bản chi phí sản xuất hàng hóa tại Mỹ luôn cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác có nguồn lao động giá rẻ như Trung Quốc, Việt Nam, Mexico, từ đó Apple có khả năng nâng giá thành sản phẩm lên.
Nếu nhà máy sản xuất, lắp ráp iPhone chuyển về Mỹ thì giá bán lẻ iPhone sẽ tăng lên gần 45 triệu đồng. Ảnh: Internet |
Theo thông tin từ tờ Nikkei Asian Review, hiện tại Foxconn – nhà lắp ráp lớn nhất của Apple đang nghiên cứu về việc chuyển hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ. Nếu điều đó được thực hiện, giá của một chiếc iPhone sẽ tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với mức giá hiện nay.
Marketplace ước tính, chi phí trung bình để sản xuất ra một chiếc iPhone hiện nay là 230 USD, sau khi các bộ phận iPhone được sản xuất tại Mỹ thì chi phí của nó sẽ tăng lên 600 USD. Như vậy giá bán lẻ một chiếc iPhone ra thị trường sẽ tăng lên khoảng 2.000 USD, tương đương gần 45 triệu đồng.
Mặc dù vậy, một phân tích khác của MIT Technology Review lại cho rằng, chi phí sản xuất iPhone sẽ chỉ tăng lên 5% nếu chỉ tiến hành lắp ráp iPhone tại Mỹ, còn các bộ phận vẫn được sản xuất tại nước ngoài. Ngược lại, nếu các bộ phận được sản xuất tại Mỹ thì chi phí sẽ tăng 30-40%.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vấn đề nếu chuyển nhà máy sản xuất iPhone về Mỹ. Đó là vấn đề nguồn lực lao động. Ước tính hiện nay lực lượng lao động Trung Quốc làm việc tại các nhà máy sản xuất lắp ráp iPhone là 150.000 người. Nếu gom hết nhân công ở GE, GM và Ford thì tổng số vẫn thấp hơn 20% so với số nhân công tại 4 nhà máy lắp ráp của Foxconn. Như vậy, việc tuyển dụng đủ 60.000 lao động cho nhà máy lắp ráp iPhone tại Mỹ sẽ gặp phải khó khăn, theo chuyên gia phân tích Dan Panzica của IHS Markit Technology.
Lê Khánh (tổng hợp)