Giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh theo giá thế giới thời gian qua. Tuy nhiên, mức giá này còn có thể giảm sâu hơn nếu các cơ quan hữu trách thực hiện đúng các biểu thuế nhập khẩu liên quan đã ban hành .
Trong những ngày gần đây, giá dầu thô trên thế giới tiếp tục đà suy giảm. Hiện tại, giá dầu thô đang đứng ở ngưỡng 45 USD/thùng, thấp nhất trong gần 6 năm. Còn trên thị trường bán lẻ châu Á, sáng ngày 14/1, Giá dầu thô tiếp tục giảm thêm 1,61 USD/thùng, tương đương 3,49%, dừng ở mức 44,46 USD/thùng.
Dầu hạ khiến giá xăng nhập từ Singapore đang vào khoảng dưới 53 USD/thùng, tương đương 7.080 đồng/lít.
Với việc giảm giá mạnh này, cộng thêm các loại thuế và phí, giá cơ sở của xăng A92 trong nước đang ở mức khoảng 17.000 đồng/lít.
Giá này đang thấp hơn so với mức giá bán lẻ hiện hành trên thị trường là gần 600 đồng/lít. Người tiêu dùng trong nước đang kỳ vọng, giá xăng dầu bán lẻ sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.
Trước đó, vào ngày 6/1/2015, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm. Theo đó, giá xăng RON 92 đã giảm 310 đồng/lít, từ mức 17.880 đồng/lít hạ xuống còn 17.570 đồng/lít. Dầu diezen cũng sẽ giảm từ mức 16.990 đồng/lít xuống chỉ còn 16.630 đồng/lít. Dầu hoả giảm 290 đồng/lít, giá bán lẻ sẽ chỉ còn 17.110 đồng/lít và dầu madut giảm 200 đồng/kg, giá bán lẻ còn 12.930 đồng/kg.
Trong khi đó, để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã có Thông tư 165/2014/TT-BTC, Ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tại biểu thuế ATIGA này, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi theo Thông tư 03/2015/TT-BTC.
Cụ thể, xăng dầu có mã HS 2710 có thuế nhập khẩu chỉ là 20% trong giai đoạn 2015-2018. Đối với nhiên liệu diesel cho ô tô thuộc mã HS 27101971 và 27101972 có thuế nhập khẩu là 5% cho năm 2015 và sau đó về 0% từ năm 2016-2018. Dầu nhiên liệu có mã HS 27101979 có thuế suất 0% từ năm 2015-2018…
Số liệu của Bộ Công thương, cũng như thống kê của hải quan cho hay, tính đến hết 11 tháng năm 2014, cả nước nhập khẩu 7,88 triệu tấn xăng dầu với trị giá là 7,23 tỷ USD. Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 2,46 triệu tấn, Thái Lan là 757.000 tấn, Malaysia là 373.827 tấn, Trung Quốc là 1,54 triệu tấn, Hàn Quốc là 553.000 tấn, Đài Loan là 1,16 triệu tấn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc “doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan về sẽ tính mức thuế suất thuế nhập khẩu nào?”, ông Trần Ngọc Năm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, Petrolimex sẽ đề cập nội dung nêu tại Thông tư 165/2014/TT-BTC và Thông tư 03/2015/TT-BTC tới Bộ Tài chính và sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thêm nữa, với mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng 27%, dầu hỏa là 26% và dầu diesel là 23%, thuế và phí đang chiếm hơn 35% trong giá xăng, 27% trong giá dầu diesel, còn dầu hỏa là 28,3%. Khi thuế tăng lên 35% với xăng, dầu hỏa là 35%, dầu mazout là 35%, dầu diesel là 30%, tỷ lệ chiếm của thuế phí trong giá xăng cũng tăng cao hơn bởi cách tính thuế hiện nay vẫn theo hướng thuế chồng thuế.
Bởi vậy, nếu biểu ATIGA được tính cho phần xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN, chắc chắn giá xăng dầu tại Việt Nam còn hấp dẫn hơn hiện tại.
Bảo An (tổng hợp)