Tin mới

Giá điện vừa tăng, xăng nhấp nhổm "đòi" tăng theo

Thứ ba, 10/03/2015, 13:54 (GMT+7)

Sau cú bứt phá tới 7,5\% của giá điện vào ngày 16/3 tới đây, giá xăng dầu cũng "nhấp nhổm" đòi tăng khi chỉ còn hai ngày nữa sẽ đến kỳ điều chỉnh giá.  

Sau cú bứt phá tới 7,5% của giá điện vào ngày 16/3 tới đây, giá xăng dầu cũng "nhấp nhổm" đòi tăng khi chỉ còn hai ngày nữa sẽ đến kỳ điều chỉnh giá. 


 

Tin tức trên báo Đại lộ cho biết, theo tính toán của các doanh nghiệp, giá cơ sở của xăng RON A92 đang cao hơn giá bán lẻ gần 800 đồng/lít. Mức chênh lệch này đối với Giá dầu điêzen là 291 đồng/lít.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp vừa trình phương án việc nâng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trên mức sàn là cần thiết.

Nếu phương án này được thông qua, mức tăng kịch trần cho thuế bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng sẽ lên tới 4.000 đồng/lít, gấp 4 lần hiện tại và có thể khiến giá xăng dầu trong nước tăng lên mức kỷ lục.

Giá xăng sẽ tăng trong vòng 2 ngày tới? (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, báo Dân trí dẫn dự báo của CTCK Bản Việt (VCSC), tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay là 4% khi giá dầu thô đang cho thấy sự phục hồi gần đây, dẫn đến khả năng giảm giá xăng dầu là rất thấp và việc tăng giá điện chuẩn bị diễn ra.

Theo ước tính của Bản Việt, Quỹ bình ổn sẽ hết trong vòng 2 tháng với mức trợ giá như hiện tại. Nếu giá xăng dầu tại Singapore tăng lên 86 USD/thùng thì mức trợ giá sẽ phải tăng lên 5.000 đồng/lít.

Do vậy, việc giá dầu thô tiếp tục phục hồi nhiều khả năng sẽ làm tăng giá xăng khi Quỹ bình ổn được sử dụng hết.

Cũng ngay thời điểm này, giá điện đã được chính thức công bố sẽ tăng 7,5% từ ngày 16/3. Trong đó, dự kiến, giá điện bán lẻ cho sinh hoạt có thể tăng thấp hơn 7,5 ở 2 bậc thang đầu, nhưng với các bậc thang sau đó, mức giá cao nhất dự kiến sẽ lên tới hơn 2.579 đồng/kWh.

Quyết định này vừa được đưa ra sau phiên họp của thường trực Chính phủ chiều 5/3 và có hiệu lực từ 16/3, với kỳ vọng giúp Tập đoàn Điện lực (EVN) không bị lỗ. Nguồn thu từ tăng giá điện sẽ được dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng), đảm bảo khả năng tăng GDP 6,2% và kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

EVN cho biết nếu không điều chỉnh năm 2015 sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng.

Sau thông tin này, hàng loạt doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đã lên tiếng than rằng, mức tăng quá cao.

Giá điện tăng phi mã 7,5%. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV Vietnamnet, đại diện của Công ty Thép Việt đã khẳng định, tiền điện sản xuất thép trong 1 năm tại công ty ước sẽ lên tới 795 tỷ đồng, tức tăng thêm 55 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành xi măng, ngành nhựa đều lo lắng về khoản chi phí tăng thêm khổng lồ do mức tiêu thụ điện ở các ngành này đều rất cao, trên dưới 100 kWh/tấn, chiếm 5% trong giá thành sản xuất. Nếu trước đây, sản xuất 1 tấn thép mất hơn 143 nghìn đồng thì tới đây, sẽ mất khoảng 160 nghìn đồng.

Trước viễn cảnh giá điện, giá xăng sẽ leo thang, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định sẽ phải tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news