Chiều ngày 11/3, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Trong kỳ điều chỉnh này, liên Bộ quyết định tăng xăng E5 RON 92 lên 2.908 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa là 28.985 đồng/lít. Đối với xăng RON 95 cũng điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa là 29.824 đồng/lít.
Có thể thấy, đây là đợt tăng liên tiếp lần thứ 7 và cũng là lần thứ 6 tăng từ đầu năm 2022 đến nay. Cả hai mặt hàng xăng hiện nay đang ở mức cao nhất lịch sử.
Không chỉ điều chỉnh tăng giá xăng mà các mặt hàng dầu, tại kỳ điều hành này cũng được liên Bộ điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 25.268 đồng/lít; dầu hỏa là 29.913 đồng/lít và dầu mazut là 20.987 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã trích quỹ bình ổn với dầu mazut 300 đồng/kg và chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON 92 ở mức 750 đồng/lít, RON 95 là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.500 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, liên Bộ đã liên tục chi mạnh quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.
Được biết, giá xăng dầu trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạo do ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong đó có căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Hơn nữa, nguồn cung xăng dầu tại Việt Nam đang có tình trạng thiếu hụt do nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cắt giảm công suất.
Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan điều hành giá xăng dầu nên tính đến phương án đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu. Riêng thuế bảo vệ môi trường, xăng A95 đang gánh 4.000 đồng thuế, xăng E5 là 3.800 đồng/lít và dầu diesel là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.
Ngoài thuế môi trường thì mặt hàng xăng dầu còn chịu nhiều loại thuế khác như thuế tiêu thụ, thuế nhập khẩu... Bên cạnh đó, giá xăng dầu còn gánh thêm nhiều chi phí lợi nhuận khác như định mức, trích lập quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh định mức,…
Ngày 22/2, Thủ tướng trong công điện về điều hành xăng dầu đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh Chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022.
Mới đây, ngày 1/3, nguồn tin của PLO, Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính đã trình phương án giảm thuế xăng dầu theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng.
Nhưng thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.