Tin mới

Giáo sư đầu ngành phân tích nguyên nhân 7 người tử vong khi chạy thận

Thứ ba, 30/05/2017, 14:20 (GMT+7)

Liên quan tới vụ việc 7 bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, GS Nguyễn Nguyên Khôi nhận định, nguyên nhân gây tử vong có thể do đường dịch có vấn đề.

Liên quan tới vụ việc 7 bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, GS Nguyễn Nguyên Khôi nhận định, nguyên nhân gây tử vong có thể do đường dịch có vấn đề.

Bộ trưởng chỉ đạo các chuyên gia đầu ngành phải tham gia vào Hội đồng khoa học của Sở Y tế Hoà Bình với vai trò độc lập. Ảnh: Dân trí

Với kinh nghiệm gần 30 năm làm Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư Nguyễn Nguyên Khôi cho biết, trong quá trình bắt đầu triển khai chạy thận nhân tạo từ năm 1972 đến nay, trường hợp tử vong khi đang chạy thận tại Việt Nam là có, nhưng chưa từng xảy ra sự cố tử vong tập thể như tại Hòa Bình hôm 29/5.

Trên VietNamNet dẫn lời GS Khôi, những trường hợp tử vong thường do trên nền các bệnh cảnh có sẵn, hay gặp nhất là các biến chứng về tim mạch như tăng huyết áp, ngừng tim do nhồi máu cơ tim... vì cơ thể không thích nghi ngay được.

“Gần 5% các ca tử vong khi chạy thận nhân tạo là do biến chứng về tim mạch sau đó mới đến các rối loạn chuyển hoá”, GS Khôi nhận định và cho biết, lọc thận chu kỳ có quy trình hết sức chặt chẽ, mỗi bệnh nhân sẽ chạy 3 ca/tuần, mỗi ca từ 3-4 tiếng.

Bước 1: Nhân viên y tế sẽ chuẩn bị máy móc.

Bước 2: Lắp đường máu và đường dịch cho bệnh nhân

Bước 3: Bệnh nhân bắt đầu lọc máu. Y tá sẽ theo dõi, ghi chép từng chứng năng sống của bệnh nhân về mạch, huyết áp, đường thở.

B4: Kết thúc

Cũng theo lời ông Khôi, trong lọc thận nhân tạo, đường máu và đường dịch chia riêng. Đường máu sẽ có quả lọc. Theo nguyên tắc, hàng ngày, nhân viên sẽ phải dùng hoá chất để sát trùng quả lọc, sau đó rửa sạch.

“Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình đã làm cả 10 năm thì không thể không biết rửa. Nếu rửa không sạch cũng chỉ tử vong 1-2 người chứ không thể hàng loạt vậy được”, GS Khôi phân tích.

Trên cơ sở đó, vị giáo sư cho rằng nguyên nhân khiến 6 bệnh nhân chạy thận tại Hoà Bình tử vong là do đường dịch. Trong đó do dịch hoặc nước pha dịch chứ không thể nói do sốc phản vệ.

“Để pha dịch đậm đặc, phải sử dụng loại nước đặc biệt, bằng ít nhất 95% nước chưng cất. Nếu nước xử lý không tốt hoặc chất lượng dịch không đảm bảo sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng”, GS Khôi kết luận.

Trong một diễn biến liên quan, sáng ngày 30/5, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm các bệnh nhân đang cấp cứu tại BV Bạch Mai (Hà Nội).
 
Trên Dân trí dẫn lời Bộ trưởng Tiến, bày tỏ: "Tôi rất đau lòng trước sự cố y khoa này. Ngành y tế chia sẻ với những mất mát xảy ra với gia đình người bệnh".

Theo Bộ trưởng, cần phải tìm ra nguyên nhân. Làm rõ nếu có sai phạm xử lý nghiêm theo pháp luật. Bộ trưởng yêu cầu các chuyên gia đầu ngành thành lập ngay Hội đồng chuyên môn độc lập xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, tìm nguyên nhân sớm và nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm vì đây là sự cố y khoa đặc biệt xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt.

Cũng trong sáng nay, tại buổi họp báo thông tin về sự cố y khoa khiến hàng loạt bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị lọc máu chu kỳ, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vào chiều 29/5.

Bác sĩ Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đã đứng lên xin nhận trách nhiệm về sự cố y khoa nghiêm trọng. Thay mặt cán bộ công nhân viên bệnh viện, ông Dương gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình và các bệnh nhân gặp tai nạn. Ông cũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân các bệnh nhân đã qua đời.

Theo ông Dương, khoa Thận Nhân tạo của bệnh viện đã thành lập được hàng chục năm nay, làm hàng trăm nghìn ca đều rất an toàn, nên sự cố xảy ra rất bất ngờ. Theo ông Dương, ngoài 7 trường hợp tử vong, hiện 10 bệnh nhân đang điều trị ở Bạch Mai, cơ bản đang hy vọng sẽ ổn định.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news