Cuộc giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan mắc kẹt ở hang Tham Luang đang diễn ra khá thuận lợi, nhưng giáo sư Mỹ lo ngại họ có thể mắc phải căn bệnh lạ, đó là “bệnh hang động”.
Các chuyên gia y tế lo ngại đội bóng thiếu niên Thái Lan có nguy cơ mắc "bệnh hang động". Ảnh: Getty Images
Lực lượng hải quân Thái Lan cùng với các chuyên gia, nhóm cứu hộ quốc tế đang tiến hành đợt giải cứu cuối cùng đối với 5 thành viên còn lại của đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Trước đó, 8 em nhỏ đã được cứu thoát.
Ngay sau khi ra khỏi hang Tham Luang, 8 thành viên đội bóng thiếu niên Thái Lan được đưa tới bệnh viện Chiang Rai cách nơi mắc kẹt khoảng 50km bằng trực thăng.
Việc tạm thời cách ly gia đình và theo dõi, thăm khám sức khỏe là cần thiết đối với những cầu thủ nhí sau thời gian hơn 2 tuần mắc kẹt trong hang động Tham Luang với điều kiện dinh dưỡng "nghèo nàn" và sinh hoạt thiếu thốn.
Đội bóng thiếu niên Thái Lan đang được giải cứu khỏi hang động Tham Luang. Ảnh: AP
Các chuyên gia y tế chia sẻ lo ngại về tình trạng sức khỏe và tinh thần của các thành viên đội bóng Thái Lan sau một thời gian dài họ tiếp xúc và phải sống trong môi trường hang động, trong đó có nguy cơ mắc phải "".
Vậy "bệnh hang động" là gì?
"Bệnh hang động" là loại bệnh khá nguy hiểm, lây nhiễm do bào tử nấm Histoplasma sống ký sinh trong các hang động và thường được tìm thấy trong môi trường bị ô nhiễm bởi chất thải của loài dơi, phân chim trú ngụ trong hang động.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), loại nấm này được tìm thấy trong môi trường tự nhiên, phát triển mạnh ở trong các hang động châu Á cho tới bờ sông màu mỡ của sông Mississippi (Bắc Mỹ).
Bào tử nấm Histoplasma thường được tìm thấy trong chất thải của loài dơi trú ngụ trong hang động. Ảnh: Getty Images
Giáo sư, Tiến sĩ Paul Auerbach tại Đại học Stanford (Mỹ), cảnh bảo rằng, các cầu thủ trong đội bóng thiếu niên Thái Lan có nguy cơ mắc phải histoplasmosis hay "bệnh hang động" do hít phải bào tử của loại nấm Histoplasma sau một thời gian dài sống trong môi trường ẩm thấp và thiếu ánh sáng khi mắc kẹt trong hang Tham Luang.
Chia sẻ với CTV News, ông Auerbach cho biết: "Một người có hệ miễn dịch bình thường thì vẫn có nguy cơ nhiễm nấm Histoplasma và thông thường thì bệnh nhân không biết họ bị nhiễm từ khi nào.
Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, ho ít, tương tự như các triệu chứng bị nhiễm vi-rút và phần lớn là tự phục hồi. Ngược lại, trong một số ít trường hợp, "bệnh hang động" có thể diễn biến nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở những người có miễn dịch kém hoặc đang trong tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch".
"Bệnh hang động" thường ảnh hưởng đến phổi. Các triệu chứng có thể dễ nhận thấy, bao gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu, khó thở, khó chịu ở ngực, ho khan và mỏi cơ. Chúng thường biểu hiện trong khoảng 3-17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với bào tử nấm.
Mặc dù về cơ bản là vô hại, nhưng "bệnh hang động" lại rất nghiêm trọng đối với trẻ em, người già hoặc những người có hệ miễn dịch suy giảm, dễ bị tổn thương, nếu không được điều trị kịp thời.
Hiện tại, các thành viên đội bóng Thái Lan vẫn đang được theo dõi trong khoảng ít nhất 1-2 ngày tại bệnh viện để theo dõi sức khỏe trước khi trở về nhà đoàn tụ với người thân.
Theo dự kiến, đợt giải cứu thứ 3 sẽ được bắt đầu vào ngày 10/7 để đưa nốt 4 cầu thủ nhí cùng huấn luyện viên của em ra khỏi hang Tham Luang.
Nguyễn Hằng (Tham khảo nguồn: Express, ABC)