Có lẽ người ta chỉ quen với việc Giáo sư Ngô Bảo Châu giảng giải về toán học chứ ít ai biết ông cũng là một người viết văn rất hay, cho đến một lần hiếm hoi ông có dịp chia sẻ về lĩnh vực tưởng chừng như không mấy liên quan đến toán học này.
1. Có nhiều người thắc mắc, Giáo sư Ngô Bảo Châu nghiêm túc là thế, vậy khi đứng lớp, liệu có lúc nào ông để mình nhãng đi bởi một vấn đề nào đó không. Thắc mắc này được giải tỏa ngay khi Giáo sư nói vui, những giảng viên như ông đã được “huấn luyện” rất chuyên nghiệp để đứng trên bục giảng. Bởi vậy, không có chuyện “lảng bảng” sang vấn đề khác. Ông chia sẻ, hồi còn sinh viên, trước khi thuyết trình, ông được người thầy bắt viết ra bằng hai màu mực. Màu mực đen là những thứ nói ra, màu mực đỏ là những thứ sẽ viết lên bảng. Thậm chí, chặt chẽ đến độ viết một bài luận 200 trang, ông cũng được đào tạo để viết không được thừa hay thiếu một chữ. Nói như vậy để thấy rằng, với toán học và Ngô Bảo Châu, gần như không có chỗ cho sự “ngẫu hứng”.
2. Giáo sư Ngô Bảo Châu có một định nghĩa rất hay về toán học khi cho rằng, toán chính là một môn “thể thao trí tuệ” thuần túy. Những phút giải ra một mệnh đề, tìm ra được đáp án chính là tiếp cận một chân lý mới, dù rằng số lần cảm thấy “đã” khi làm toán chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì theo ông làm toán chính là làm tâm hồn trong sạch. Chính mấy chục năm được rèn luyện với toán học đã khiến Ngô Bảo Châu có một lối viết rất chặt chẽ. Ông cho rằng, mình viết văn theo kiểu… làm toán, từ câu trước suy ra câu sau, hiếm có câu nào bỏ lửng. Không chỉ là nhà toán học, ông dành nhiều thời gian giới thiệu, dịch sách và viết truyện ngắn, viết blog. Đa tài thế, nhưng Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng thú thực, chưa từng nghĩ mình sẽ viết một cuốn truyện dài hay những thứ tương tự, vì để viết văn cần nhiều hơn những sự dấn thân. Bởi vậy, ông ước có riêng thời gian chỉ để tập trung viết văn, cho những con chữ được bay bổng.
3. Hiếm ai biết khi không làm toán, thú vui của Giáo sư Ngô Bảo Châu chính là dịch thơ. Khó với nhiều người, nhưng đối với ông, dịch thơ hóa ra lại đơn giản như việc… ghép chữ. Việc khó nhất là tìm ra nhịp của khổ đầu tiên, còn sau đó cứ thế mà… tuôn. Dường như khi càng “có tuổi”, nhà toán học như ông lại cho mình thêm cơ hội gần gũi với văn học. Có lẽ bởi thế mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng tâm sự, nếu về hưu thì sẽ dịch sách hoặc bán sách. Mà Hà Nội bây giờ ít hiệu sách quá - theo đúng nghĩa của nó. Ở một nơi mật độ sách đến cực điểm như phố Đinh Lễ, nơi mà người ta bán sách chiết khấu cao, thì muốn tìm một cuốn sách xuất bản chỉ một năm trước đây thôi cũng khó. Đây giống như một cái “chợ” hơn là một hiệu sách. Vì người ta đến đó để mua sách giá rẻ, chứ không phải để nhẩn nha đọc sách. Và ông thành thật tin rằng, “cuộc sống ở một nơi nào đó sẽ dễ chịu hơn, nhân văn hơn nếu nơi đó có nhiều hiệu sách”.
4. Chưa có nhà khoa học nào lại quan tâm đến văn hóa đọc như Giáo sư Ngô Bảo Châu, sự quan tâm ấy không phải theo xu hướng thời thượng nào đó, mà bắt nguồn từ mong muốn đóng góp cho giáo dục. Chính ông là nhân tố lớn đưa tủ sách “Cánh cửa mở rộng” đến cộng đồng, thúc đẩy việc phổ biến kiến thức, niềm đam mê khoa học đến với bạn trẻ, bằng việc giới thiệu, chọn lựa từng cuốn sách mà ông tâm đắc nhất. Nếu từng đọc những bài viết của Ngô Bảo Châu trên website “Học thế nào” của ông thì có thể thấy ông đã hơn một lần đề cập đến sách và tầm quan trọng của việc đọc sách, bày ra nhiều phương pháp giúp học sinh rèn luyện một cách có phương pháp, hiệu quả hơn, bằng những cách rất dễ hiểu, dễ áp dụng. Không chỉ lý luận cao siêu, trong những bài viết bình luận về bất cứ vấn đề nào, ông cũng nhẹ nhàng bộc lộ sự khéo léo, tinh tế, thi thoảng khá hài hước, theo một cách rất Ngô Bảo Châu. Đọc những bài viết của ông, sẽ không khó hiểu vì sao giới trẻ, ngay cả những người không thích học toán lắm, lại thần tượng Giáo sư Ngô Bảo Châu đến vậy.