Trái với thông lệ, Nobel Kinh tế năm nay không thuộc về người Mỹ, mà dành cho một giáo sư đến từ Pháp - Jean Tirole, giáo sư kinh tế 61 tuổi đến từ trường đại học Toulouse 1 Capitole.
Giải thưởng kinh tế này, tên gọi chính thức là Giải thưởng Sveriges Riksbank trong khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel (thường gọi là giải Nobel Kinh tế), được thiết lập vào năm 1968. Lần đầu tiên giải thưởng Nobel Kinh tế được trao vào năm 1969, căn cứ theo cùng nguyên tắc như trao các giải Nobel từ năm 1901.
Cho tới nay, Pháp mới chỉ có ba chuyên gia kinh tế được Viện Hàn Lâm Khoa Học Thụy Điển vinh danh. Hai người tiền bối của giáo sư Tirole là cố giáo sư Gérard Debreu năm 1983 và Maurice Allias năm 1988.
Ông Jean Tirole - chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2014
Jean Tirole - chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2014, là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thời đại hiện nay. Giáo sư người Pháp đã đóng góp bằng những nghiên cứu lý thuyết về Tổ chức ngành (Industrial organization), mà hầu hết đều xoay quanh việc làm rõ về các doanh nghiệp có sức mạnh trên thị trường và cách quản lý ngành hoạt động của các doanh nghiệp đó. Hiện ông đang giảng dạy tại đại học Toulouse, từ nhiều năm qua ông được xem là một trong những nhà nghiên cứu có nhiều triển vọng đoạt giải Nobel kinh tế.
Sinh trưởng tại thành phố Troyes, miền đông nước Pháp, bố là bác sĩ, mẹ là giáo sư văn khoa, Jean Tirole ban đầu đi theo môn toán học. Tốt nghiệp trường Polytechnique Bách khoa, ông chỉ bắt đầu nghiên cứu về kinh tế từ năm 21 tuổi. Không dừng lại với bằng cấp của Polytechnique, Jean Tirole đã ghi danh và theo học trường kỹ sư cầu đường Ponts et Chausées, một trường lớn khác của Pháp. Sau đó, ông sang Hoa Kỳ lấy bằng tiến sĩ của học viện nổi tiếng thế giới MIT.
Năm 1991 ông về giảng dạy tại Đại học Toulouse, mở viện nghiên cứu Kinh tế công nghiệp. Tại đây, ông đã đặt viên đá đầu tiên cho « trường phái thuyết học kinh tế Toulouse ».
Các phân tích của Jean Tirole về doanh nghiệp có sức mạnh thị trường cung cấp một lý thuyết thống nhất có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các câu hỏi hóc búa trong Chính sách kinh tế: Chính phủ nên đối xử như thế nào đối với các doanh nghiệp lớn sau sáp nhập hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau theo mô hình cartel, và làm cách nào để điều tiết các doanh nghiệp độc quyền?
Tirole đã chỉ ra các biện pháp này có thể hoạt động tốt trong một số điều kiện nhất định, nhưng sẽ khiến thị trường tổn thương trong những trường hợp còn lại. Áp giá trần có thể khiến các công ty tìm cách giảm chi phí. Việc này tốt cho xã hội. Nhưng cũng sẽ khiến lợi nhuận của công ty tăng vọt. Điều này cũng lại có hại với xã hội. Hợp tác thao túng giá trên thị trường là có hại, nhưng hợp tác về sáng chế lại có lợi. Việc sáp nhập một công ty với nhà cung cấp của chính họ có thể thúc đẩy sáng tạo, nhưng cũng sẽ bóp méo cạnh tranh.
Từ năm 2008 tới nay, đây là lần đầu tiên giải Nobel Kinh tế được trao tặng cho một người duy nhất. Và từ năm 1999 tới nay, các kinh tế gia người Mỹ mới vắng bóng trên bảng vàng.
Một số nhà quan sát coi việc giáo sư kinh tế Tirole đoạt giải Nobel năm nay là dấu hiệu đáng khích lệ, phản ánh sức mạnh của ngành nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực này. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, trong số 25 kinh tế gia còn trẻ tuổi và đầy triển vọng của thế giới, có 7 là người Pháp.
Theo Bảo An/Người đưa tin