Sau khi thi môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2019, các thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã làm bài thi môn đầu tiên - môn Ngữ văn nhận xét về đề thi khá phù hợp, thí sinh dễ thở. Tại điểm thi THCS Colette (TP HCM), thí sinh ra đầu tiên Bùi Ngọc Hiền đánh giá đề thi năm nay không bất ngờ với đề "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Với học lực khá, em có thể nắm chắc 5 điểm.
Đề thi Ngữ Văn THPT Quốc gia 2019. Ảnh Zing.vn
Đánh giá về môn Ngữ văn kỳ thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, trên báo Nghệ An, Cô giáo Nguyễn Khánh Ly - giáo viên Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho rằng: Đề thi không khó nhưng để được điểm 9 không dễ.
"Phần đọc hiểu đưa ra các câu hỏi nhỏ theo 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Câu hỏi không khó, vừa sức học sinh, với những kiến thức cơ bản. Ở phần đọc hiểu có câu hỏi dễ, học sinh cấp 2 có thể làm được. Nghị luận xã hội cơ bản, không đánh đố học sinh.
Về câu nghị luận văn học có cấu trúc hơi khác so với đề thi minh họa nhưng vẫn nằm trong vấn đề trọng tâm trong chương trình ôn tập. Tuy nhiên, học sinh sẽ khó viết được dài, hay với bài nghị luận văn học vì cần kiến thức sâu, chắc chắn và có sự so sánh",cô Ly cho hay.
Các thí sinh không quá bất ngờ với đề thi. Ảnh NLĐ
Cũng đồng quan điểm với ý kiến trên, bình luận về phần nghị luận văn học, ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh (Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) cho biết: "Ngữ liệu mà đề thi đưa ra chỉ là một đoạn văn rất ngắn trong tác phẩm. Với một đoạn văn như vậy, yêu cầu học sinh phải triển khai thành một bài văn là một kiểu “làm khó” các em. Những học sinh có năng lực càng không có “đất” để thể hiện. Do đó, cách hỏi có vẻ phân hóa nhưng thực ra lại không phân hóa được học sinh. Cách hỏi của câu này cũng cũ kĩ, chưa có sự sáng tạo, chưa phát huy được sức nghĩ, sức viết của học sinh.Tôi khá thất vọng với đề thi năm nay".
Trao đổi với PV báo Giao Thông, cô Nguyễn Thị Thủy - Giáo viên trường THPT Trần Quốc Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đề văn về cơ bản không đánh đố học sinh. Câu nghị luận xã hội đề tài quen thuộc dễ bày tỏ suy nghĩ. Câu nghị luận về sông Hương cũng rõ ràng, học sinh hầu như được ôn khá kỹ trong nhà trường vì vậy học sinh trung bình cũng làm được.
Trong khi đó, chia sẻ về đề Ngữ Văn của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 này, cô Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm HN) cho rằng đề thi chưa đảm bảo đủ tiêu chí phân loại đánh giá thí sinh, cũng như chưa đủ “mở” để thí sinh được thể hiện quan điểm, cá tính của mình. Đề thi mới dừng ở kiểm tra kiến thức thí sinh.
Nhận xét về đề thi, Tuổi Trẻ dẫn lời cô Phạm Thị Thu Phương – GV Tuyensinh247.com cho hay: "Về cơ bản, cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu với câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến các vấn đề ý nghĩa, có hiệu quả trong việc đánh giá năng lực của học sinh.
Phần Làm văn gồm có 2 câu hỏi. Vấn đề nghị luận được rút ra từ ngữ liệu của phần Đọc hiểu nêu sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về sức mạnh ý chí của con người, nêu được những ý nghĩa lớn lao của sức mạnh ý chí, biết phê phán những biểu hiện thiếu ý chí và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản.
Theo cô Thu Hương, nhìn chung, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ Văn của Bộ GD&ĐT là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi".