Tin mới

Giây phút hỗn loạn ở Paris qua lời kể của nhân chứng người Việt

Thứ bảy, 14/11/2015, 20:18 (GMT+7)

“Sợ lắm, giờ vẫn còn đang sợ. Tối qua vì tận mắt chứng kiến nên hai đứa con nhà chị, một 9 tuổi, một 13 tuổi cũng rất hoảng loạn”, một Việt kiều ở Pháp chứng kiến khung cảnh hỗn loạn ở sân vận động State de France (Pháp) tối 13/11 chia sẻ.

“Sợ lắm, giờ vẫn còn đang sợ. Tối qua vì tận mắt chứng kiến nên hai đứa con nhà chị, một 9 tuổi, một 13 tuổi cũng rất hoảng loạn”, một Việt kiều ở Pháp chứng kiến khung cảnh hỗn loạn ở sân vận động State de France (Pháp) tối 13/11 chia sẻ.

Như tin tức đã đưa, vào tối ngày 13/11 theo giờ địa phương đã xảy ra liên tiếp các vụ xả súng và nổ tại 7 địa điểm khác nhau ở thủ đô Paris, khiến ít nhất 153 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Vụ tấn công khủng bố khiến cả nước Pháp và thế giới bàng hoàng, chấn động.

Trên Tuổi trẻ, chị Hải Rosano, một Việt kiều ở Pháp chứng kiến khung cảnh hỗn loạn ở sân vận động State de France (Pháp) tối 13/11 cho biết, lúc gần cuối hiệp một trận giao hữu Pháp - Đức, mọi người trong sân vận động nghe tiếng nổ lớn bên ngoài sân, rung chuyển cả sân vận động nhưng chị và mọi người tưởng là tiếng pháo đại bác và trận đấu vẫn tiếp diễn. Đến đâu hiệp 2, mọi người lại nghe thấy hai tiếng nổ liên tiếp nhưng mọi người trong sân vẫn chưa nhận được thông báo gì. Cho đến gần hết trận đấu, khoảng 23h, chị nhận được điện thoại của đồng nghiệp báo bên ngoài có tấn công khủng bố. Lúc này, mọi người dưới sân cũng bắt đầu tán loạn bỏ chạy. 

Giây phút hỗn loạn ở Paris qua lời kể của nhân chứng người Việt

Chị Đoàn Minh Thúy - một Việt kiều sinh sống tại thủ đô Paris (Pháp) là người đã ở gần hiện trường vụ tấn công nhà hát Bataclan và chứng kiến cảnh hỗn loạn sau vụ tấn công. Nguồn: VTV

Cũng theo lời kể của chị Hải, lúc mẹ con chị chạy ra ngoài rận vận động thì thấy một tên khủng bố bị cảnh sát bắt khi chưa kịp xả súng. Hai đứa con chị nhìn thấy cảnh náo loạn bên trong và ngoài sân vận động đã khóc trong hoảng loạn. Vì sự an toàn của bản thân và hai con nên chị quyết định bỏ lại ô tô ở bãi đỗ xe sân vận động để đi tàu metro về nhà nhưng lúc ngồi tàu vẫn rất run và căng thẳng vì không biết bọn khủng bố có đặt bom hay không.

“Sợ lắm, giờ vẫn còn đang sợ. Tối qua vì tận mắt chứng kiến nên hai đứa con nhà chị, một 9 tuổi, một 13 tuổi cũng rất hoảng loạn”, báo Tuổi trẻ dẫn lời chị Hải.

Trên Zing.vn, anh Hoàng Việt Cường, một người Việt ở Paris 8 năm, cho biết, vụ tấn công khủng bố Paris xảy ra khi anh đang đi trên đường. Tuy nhiên, khi về tới nhà anh mới nhận thức được điều khủng khiếp đang xảy ra với thủ đô Paris.

"Tôi đang rất lo lắng, không biết ngày mai sẽ ra sao". Hiện tại, anh Cường ở nhà theo khuyến nghị của nhà chức trách Paris. Mọi thông tin về vụ khủng bố được anh cập nhật thông qua truyền hình. Cường cũng thường xuyên liên hệ với những người Việt Nam ở Paris để nắm rõ thông tin về nhau", Zing.vn ghi lại chia sẻ của anh Cường.

Chị Đoàn Minh Thúy - một Việt kiều sinh sống tại thủ đô Paris (Pháp) - đã chia sẻ sự đau xót, cảm thông với người dân Pháp sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris với phóng viên VTV.  Chị Minh Thúy là người đã ở gần hiện trường vụ tấn công nhà hát Bataclan và chứng kiến cảnh hỗn loạn sau vụ tấn công.

"Người dân sống tại Paris cảm thấy bất ổn. Mọi người đang rất lo lắng và không biết chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra. Ở một thế kỷ, thế giới đang hòa bình, tốt đẹp thế này mà họ xả súng vào những người dân thường vô tội. Họ đi xem một buổi hòa nhạc, một trận đá bóng mà cuối cùng bây giờ họ không thể trở về nhà được. Đấy là điều đau xót vô cùng", chị Thúy đau xót chia sẻ trên VTV.

Đưa thông tin liên quan đến vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris, trên báo Lao động dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sáng ngày 14/11 cho biết, theo Cơ quan xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Pháp, hiện chưa có thông tin cụ thể về quốc tịch của những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hiện đang khẩn trương theo sát những diễn biến liên quan để có thể kịp thời tiến hành các biện pháp bảo hộ trong trường hợp xác định có công dân Việt Nam là nạn nhân những vụ tấn công.

“Ngay sau khi được tin về những vụ tấn công xảy ra tại Paris ngày 13.11.2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngay lập tức làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu những thông tin liên quan đến công dân Việt Nam tại những khu vực xảy ra tấn công. Trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bằng mọi cách phối hợp với các cơ quan chức năng của Pháp hỗ trợ, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân", báo Lao động dẫn câu trả lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trước câu hỏi câu hỏi của phóng viên về việc có hay không công dân Việt Nam là nạn nhân của những vụ tấn công nói trên.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Tấn công ở Pháp ít nhất 1 người chết, 70 tu sỹ bị bắt làm con tin

Có ít nhất 1 người chết, khoảng 70 tu sỹ đang bị giữ làm con tin sau khi xuất hiện đối tượng cầm súng tấn công vào trại dưỡng lão ở Montpellier, Pháp.