“Ý tưởng hoa sen, tính chất đài phun nước mang tính truyền thống nhưng tỷ lệ và màu sắc của nó với khu vực xung quanh thì phải chăng chúng ta cũng phải có sự lựa chọn hợp lý hơn để đừng biến nó thành một cái chủ thể mà phải hài hoà với môi trường xung quanh”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Trao đổi với phóng viên, TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, việc cải tạo, chỉnh trang một số vườn hoa cũ và quy hoạch một số công viên, vườn hoa mới là vấn đề rất cần thiết để hướng tới mục đích xây dựng thành phố xanh, văn minh. Tuy vậy chúng ta cũng cần xem xét những cải tạo này trong bối cảnh chung để có tầm nhìn lâu dài, tránh phải cải tạo nhiều lần hoặc làm xong rồi lại phải chỉnh sửa.
Riêng với vườn hoa Mai Xuân Thưởng, ông Nghiêm cho biết, đây là khu vực nằm trong ranh giới quy hoạch trung tâm chính trị Ba Đình và đã được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh. Theo đó, công viên này sẽ kết hợp với công viên Lý Tự Trọng, khu vực tiếp dân hiện nay ở phố Mai Xuân Thưởng và khu vực của xưởng phim cùng một số nhà dân bên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng để hình thành một công viên xanh, kết nối khu văn phòng chính phủ, nhà văn phòng của chủ tịch nước với khu vực Hồ Tây.
"Trong cải tạo của khu trung tâm chính trị Ba Đình này, bên cạnh những không gian kiến trúc thì có một điểm và là điểm đột phá lớn nhất mà chúng ta cần quan tâm. Đó là cải tạo lại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, gắn kết với vườn hoa Lý Tự Trọng và đồng thời hai khu vực lân cận (khu vực tiếp dân hiện nay ở phố Mai Xuân Thưởng và khu vực của xưởng phim cùng một số nhà dân bên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng), để tạo thành một cái lõng xanh quan trọng, kết nối những cảnh quan đặc thù của Hồ Tây với khu trung tâm Ba Đình.
Đài phun nước gắn gốm bông sen vàng - công trình nghệ thuật mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được xây dựng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (trên phố Mai Xuân Thưởng, đầu đường Thanh Niên, cạnh Hồ Tây)
Vậy thì việc xem xét cải tạo vườn hoa Mai Xuân Thưởng và Lý Tự Trọng phải chăng cần có tầm nhìn dài hạn để cả 4 khu vực này thành một quảng trường lớn để kết nối khối văn phòng chính phủ với cảnh quan thiên nhiên Hồ Tây. Đây là một yêu cầu quan trọng và tầm nhìn đặt ra cho những người làm quy hoạch và xây dựng. Vì vậy bây giờ giải quyết vấn đề nào đó ở một công viên nào đó thì cần phải có một quy hoạch tổng thể cả 4 khu vực này đã", ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông Nghiêm, hiện nay, trong quyết định phê duyệt khu chính trị Ba Đình chỉ nêu định hướng như vậy nhưng chưa có kế hoạch quy hoạch 4 vườn hoa nhỏ này để tạo thành một tổng thể hợp lý là một khó khăn cho những người làm công tác quy hoạch và cải tạo, xây dựng. Vì vậy phải chăng chúng ta phải xem xét lại, thiết lập một lộ trình thích hợp, đó là phải xây dựng cái tổng thể trước để tạo thành một thể thống nhất sau đó mới cải tạo những công trình nhỏ thì hợp lý hơn.
Với đài phun nước gắn gốm Bông sen vàng vừa được xây dựng bên trong khu vực công viên Mai Xuân Thưởng nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ Đô, ông Nghiêm cho rằng, xét về ý tưởng, chủ đề của đài phun nước mang biểu tượng hoa sen là hợp lý.
“Việc tạo lập thành 1 đài phun nước ở công viên Mai Xuân Thưởng, tạo ra một khu vực chuyển tiếp, gắn kết đưa mặt nước Hồ Tây vào tiếp cận khu trung tâm là hợp lý. Đây cũng là yếu tố truyền thống trong giải quyết khu vực công viên này. Ví dụ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục giáp Hồ Hoàn Kiếm cũng có đài phun nước, đài phun nước này gắn kết khu phố cổ với cả Hoàn Kiếm hay một số vườn hoa khác cũng tạo lập ra các đài phun nước để gắn kết. Đài phun thiết kế hình hoa sen mang biểu tượng quốc hoa đồng thời gắn với Hồ Tây - khu vực có những đặc trưng cây xanh cũng là hợp lý”, ông Nghiêm dẫn chứng.
Theo một số KTS, tạo hình của đài phun nước gắn gốm Bông sen vàng quá rối.
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, đài phun nước gắn gốm Bông sen vàng ở công viên Mai Xuân Thưởng có hai điểm tồn tại. Thứ nhất, công viên Mai Xuân Thưởng là 1 trong 4 công vien nhỏ tạo ra quảng trường xanh trước cửa văn phòng chính, trong kế hoạch quy hoạch trung tâm chính trị Ba Đình nên lẽ ra phải xây dựng cái tổng thể trước để tạo thành một thể thống nhất sau đó mới cải tạo những công trình nhỏ. Thứ 2 là tỷ lệ, gồm diện tích và chiều cao của đài phun nước chưa hài hoà với môi trường xung quanh, khiến người ta cảm thấy nổi trội, lấn át khu vực cây xanh.
“Mai Xuân Thưởng chỉ là 1 trong 4 công viên nhỏ tạo ra quảng trường trước cửa văn phòng chính phủ. Vậy chưa có một quy hoạch chung mà chúng ta đã triển khai như thế thì phải chăng lộ trình bước đi nghiên cứu còn có những vấn đề cần phải xem xét. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng thực tế phải chăng cần phải nghiên cứu kỹ hơn về tỷ lệ, gồm diện tích và chiều cao của đài phun nước này để nó hài hoà với cảnh quan xung quanh. Đài phun nước này không thể tạo một không gian làm đột biến đi được. Đặc biệt, với vườn hoa Mai Xuân Thưởng thì đài phun nước này phải xem xét với mối tương quan với tượng đài Lý TựTrọng. Nó cần có tỷ lệ khiêm tốn hơn để gắn kết với vườn hoa Lý Tự Trọng và hài hoà với hệ thống cây xanh, nhất là những cây xanh thấp xung quanh. Như vậy, lẽ ra chúng ta phải nghiên cứu tổng thể khi quy hoạch khu chính trị Ba Đình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi mới cải tạo. Chưa nghiên cứu tổng thể đã cải tạo cái đó thì rất có thể sau này sẽ phải điều chỉnh lại. ”, ông Nghiêm phân tích.
Về góc độ thẩm mỹ và tạo hình của đài phun nước gắn gốm Bông sen vàng, theo một số kiến trúc sư, tác phẩm này tuy cầu kỳ nhưng không đạt được mức tinh xảo. Việc ghép các viên gốm nhỏ thành hình bông sen hơi khiên cưỡng, phức tạp, rối.
“Việc đưa những biểu tượng gốm sứ hơi khiên cưỡng, có thể đây là gu của tác giả. Những công trình như thế này nên đi về tổng thể và mang hơi hướng đương đại thì sẽ hay hơn. Kiểu trang trí vậy nặng về tiểu tiết. Theo tôi là chưa đủ độ sướng nếu nói theo nghề...”, KTS Phạm Cương chia sẻ quan điểm.
Một kiến trúc sư khác cũng cho rằng, tạo hình của đài phun nước này quá rối. Cánh sen rỗng tạo ra cái đường viền của đài phun nước quá phức tạp. Việc gắn gốm để tạo thành cách sen cũng phức tạp, khiến nó càng thêm rối.
“Bản thân hình tượng đã rối rồi, tỷ lệ hơi lớn, cộng với vật liệu hoàn thiện phức tạp khiến người ta thấy nó quá rối ở một khu vực vườn hoa có diện tích nhỏ như vậy”, kiến trúc sư này nói.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cho rằng, phải chăng khi xây dựng các đài phun nước, nhất là ở những vị trí quan trọng, chúng ta cần phải xem xét bài học kinh nghiệm của đài phun nước ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đài phun nước này được hình thành từ rất lâu đời, sau đó có rất nhiều cuộc thi về đài phun nước, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia nhưng đến nay vẫn giữ nguyên chưa cải tạo. Vậy ở khu vực văn phòng Chính phủ chúng ta nên thận trọng hơn, lấy ý kiến nhiều hơn nữa để tìm thấy sự đồng thuận.
Theo H.Minh/Người Đưa Tin