GS Ngô Bảo Châu cho rằng, trong chủ trương chung về cải cách căn bản toàn diện giáo dục có nhiều bước làm, nhiều cải cách gây tranh luận trong xã hội. Tuy nhiên, điều khiến ông và nhóm Đối thoại giáo dục hơi tiếc là trọng tâm cải cách giáo dục đáng ra giáo dục đại học là khâu yếu nhất lại không ai đả động gì.
Đó là chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu trên báo Vietnamnet về cải cách giáo dục.
“Rõ ràng đây là mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội.
Không có lí do gì xã hội VN hàng năm bỏ ra hàng tỷ USD cho con em đi học mà không xây được một trường đại học cho ra hồn. Cũng đã có một số đại học quốc tế được thành lập nhưng chưa có gì chứng tỏ những trường này đạt được mong muốn ban đầu”, GS Ngô Bảo Châu nói.
GS Ngô Bảo Châu: Tiếc là không ai đả động gì đến cải cách giáo dục ĐH
Lý giải nguyên nhân của việc này, GS Châu cho rằng, bản chất đại học yếu kém, cả về trình độ giáo viên, trình độ tổ chức, về kinh phí. Trong khi đó với người dân, họ quan tâm nhiều giáo dục phổ thông nó thiết thân hàng ngày khi đưa con cái đi học.
“Đến đại học theo cảm giác nào đó họ có vẻ không còn đủ trình độ để hiểu giáo dục đại học nữa. Và họ để con cái sau 18 tuổi tự lo. Gia đình chỉ bỏ tiền ra cho con đi học. Nhà nào có đủ tài chính thì lo cho con đi học nước ngoài là xong. Khách quan mà nói, giáo dục đại học hiện có vô cùng nhiều vấn đề. Chuyện bỏ quên giáo dục đại học, tập trung vào giáo dục phổ thông là điểm cần xem lại”, ông Châu phân tích.
Cũng theo GS Ngô Bảo Châu, cải cách có thể không nhất thiết làm ngay nhưng cần quy trình suy nghĩ, tranh luận, đưa vấn đề ra để tạo sự đồng thuận trong xã hội, giúp họ biết chúng ta cần làm những gì.
“Cải cách không thể thực hiện chỉ bởi một ông bộ trưởng có ý nghĩ phải làm thế này thế kia là xong. Phải có quá trình dân chủ để tạo sự đồng thuận xã hội. Ở đây trường đại học cùng làm mới thành công được.
Bản thân bộ chưa chắc có thể bắt các trường, ví dụ như ĐH Quốc gia ra lệnh cho họ làm theo. Cần có quá trình tìm cái xấu, cái tốt và đưa biện pháp để tạo chuyển biến dần dần và mọi người đồng ý phải làm như thế. Cần thấy rằng để đạt được lợi ích cũng cần có hy sinh và họ phải chấp thuận với sự hy sinh đó”, GS Châu chia sẻ quan điểm.
H.Minh (tổng hợp)