Hà Nội mới đưa tin, theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 200 ca mắc sởi trong khi cả năm 2017 mới ghi nhận hơn 60 ca.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phân loại bệnh nhân ngay tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn tại cổng bệnh viện; bố trí khu điều trị cách ly theo quy định và tổ chức điều trị tốt cho bệnh nhân cũng như bảo đảm chuyển tuyến an toàn, tránh lây nhiễm; khuyến cáo người bệnh, người nhà bệnh nhân sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp... Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để bảo đảm công tác điều trị bệnh sởi.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Tạp chí Gia đình mới cho biết, theo PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp, bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành qua những giọt nhỏ nước bọt do người bệnh thải ra khi ho hoặc hắt hơi và rất dễ lây truyền ở những nơi tập trung nhiều trẻ em như ở các cơ sở y tế và trường học.
Bệnh diễn biến cấp tính đặc trưng là hội chứng viêm long đường hô hấp, ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ mặt, cổ, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.
Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, loét giác mạc, viêm cơ tim, viêm não và suy giảm miễn dịch.
Chính các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng và kéo theo đó là các bệnh nhiễm trùng phát sinh.
Hiện, phương pháp phòng bệnh sởi an toàn và hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng sởi. Những người đã khỏi bệnh sởi có miễn dịch phòng bệnh suốt đời.
Khi nào cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế?
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:
– Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
– Khó thở, thở nhanh.
– Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
– Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
Những phản ứng nhẹ do vắc-xin thường ít gặp, có thể là: - Đau nhức: Một vài trẻ có thể cảm thấy đau tại nơi tiêm trong 24 giờ sau tiêm. Phần lớn phản ứng này sẽ mất đi trong vòng 2 đến 3 ngày mà không cần phải điều trị gì. - Sốt: Khoảng 5% trẻ có biểu hiện sốt sau khi tiêm 5 đến 12 ngày và sốt kéo dài 1 đến 2 ngày. - Ban: Khoảng 1/20 trẻ có biểu hiện ban nhẹ trong khoảng 5 đến 12 ngày sau tiêm. Ban cũng thường kéo dài khoảng 2 ngày. |
Trang Vũ (tổng hợp)