Thông tin mới nhất trên Tri thức trực tuyến và Vietnamnet cho hay liên quan đến việc test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính nhưng khi xét nghiệm lại kết quả dương tính, GĐ Sở y tế Hà Nội đã chính thức lên tiếng về vụ việc này.
Sáng cùng ngày, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 mới trong đó có trường hợp tại Hà Nội.
Ca bệnh tại Hà Nội là ca thứ 714, từng có lịch trình đi lại khá phức tạp, được test nhanh Covid-19 và cho kết quả âm tính vào ngày 31/7.
Tuy nhiên, đến ngày 5/8, bệnh nhân xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh:Tri thức trực tuyến
Chỉ trong vòng 1 tuần, Hà Nội đã tiến hành test nhanh cho hơn 72.000 người từ Đà Nẵng trở về, phát hiện 12 trường hợp dương tính nhưng sau đó xét nghiệm lại bằng PCR đều âm tính.
Sau ca bệnh số 714, không ít người cảm thấy hoang mang về độ chính xác của test nhanh Covid-19.
Để giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền - GĐ Sở Y tế cho rằng việc thực hiện test nhanh thời gian qua để sàng lọc sớm các ca bệnh là cần thiết.
>>> Xem thêm: NÓNG: Đà Nẵng chính thức hoãn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Dù thế việc test nhanh có độ nhạy, độ đặc hiệu nhất định không thể có độ chính xác cao như làm xét nghiệm PCR. Ngay cả với xét nghiệm PCR, vẫn có thể xảy ra tình huống lần đầu âm tính, lần thứ 2 làm lại dương tính.
Do đó, ngành y tế khuyến cáo tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ từ Đà Nẵng vẫn cần tự cách ly và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày.
Đối với những trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính sẽ được cách ky ngay, lấy mẫu và làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên mở rộng xét nghiệm PCR cho những người có triệu chứng nghi ngờ, biểu hiện nghi ngờ hoặc nghi ngờ mắc vì thực tế có nhiều trường hợp không có triệu chứng bệnh nhưng vẫn mắc.
Test nhanh Covid-19 có độ đặc hiệu nhất định. Ảnh: Internet
Trong đó sẽ ưu tiên 2 nhóm: Nhóm 1 là những người đi qua Đà Nẵng và các tỉnh có dịch, những người có mặt tại các điểm Bộ Y tế đã thông báo khẩn có triệu chứng như ho, sốt, đau họng. Nhóm 2 là là những người đến bệnh viện khám với biểu hiện hô hấp, các bệnh nhân nằm viện có triệu chứng hô hấp nhưng chưa xác định được nguyên nhân hoặc các trường hợp bệnh nhân có nghi ngờ.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo 3 đơn vị thuộc Bộ gồm BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm Covid-19.
Các chuyên gia dịch tễ cho biết test nhanh chỉ có tác dụng đánh giá phạm vi dịch trong cộng đồng, không thể khẳng định mắc.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, trong tình hình hiện nay, để phát hiện virus SARS-CoV-2, chúng ta không nên dùng xét nghiệm nhanh.
'Nếu dùng sẽ bị lạc đường. Vừa qua, tôi thấy một số động thái đáng mừng khi nhiều nhà khoa học lên tiếng về điều này.
Đặc biệt, Bộ Y tế quyết định không cấp thêm kit test nhanh cho bất kỳ tỉnh nào. Lãnh đạo Bộ Y tế đã hiểu rõ phương pháp này không có ý nghĩa trong sàng lọc người đang mang virus từ vùng dịch trở về. Tôi mong các tỉnh, thành thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế'.
Hiện Bộ Y tế vẫn đang yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày tại nhà.
Trong phác đồ mới, Bộ Y tế cũng yêu cầu ngay khi phát hiện những ca nghi ngờ, không xác định được nguyên nhân, cơ sở y tế cần lập tức xét nghiệm Realtime RT-PCR, tránh bỏ sót.
Toàn bộ số test nhanh Hà Nội thực hiện vừa qua là của Hàn Quốc. Từ ngày 2/8, số test này đã hết nên Hà Nội tạm ngừng test nhanh.
>>> Xem thêm: Thêm 21 ca nhiễm Covid-19, Việt Nam có 642 ca
Ngành Y tế Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để tiếp tục sàng lọc những trường hợp trở về từ Đà Nẵng.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Trung ương không cấp test nhanh, khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm PCR.