Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ.
Phố đi bộ quanh hồ Gươm vắng tanh như chùa Bà Đanh trong khoảng từ 10h sáng đổ về chiều. Ảnh: VNN
Tại thủ đô Hà Nội, trời nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-39 độ, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 40 độ. Tuy nhiên, ở ngoài trời, do hiệu ứng đô thị, nhiệt độ cao hơn rất nhiều, có thể lên đến gần 60 độ C.
Nhiệt độ đo trong lều khí tượng ở Hà Nội hôm nay đạt 41 độ C, đỉnh điểm của đợt nắng nóng. Tuy nhiên, thực tế ngoài trời còn cao hơn mức này nhiều. Ảnh: VNN
Theo trang thời tiết World Weather Online, trong đợt nắng nóng lần này, ngày 19/5 sẽ là ngày Hà Nội có nhiệt độ cao nhất. Theo đó, nhiệt độ cảm nhận thực tế có thể lên 46 độ C nếu ra đường vào buổi trưa và chiều; nhiệt độ thấp nhất cũng vào khoảng 32 độ C.
Nắng nóng gay gắt kéo dài suốt vài ngày khiến đường sá, các điểm du lịch vắng người. Vốn rất nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần nhưng vào 2 ngày cuối tuần, phố đi bộ Hồ Gươm vắng tanh không bóng người. Thậm chí còn vắng hơn cả ngày mùng 1 Tết.
Nữ du khách trải nghiệm cảm giác đọc sách giữa trời nắng nóng cạnh hồ Gươm. Ảnh: VNN
Theo nhận định, hôm nay, các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ bước vào đỉnh điểm của đợt nắng nóng gay gắt này.
Người dân thủ đô trú nắng dưới hầm đi bộ. Ảnh: TQ
Theo các chuyên gia, nắng nóng kéo dài liên tục nhiều ngày có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Vì thế, trong khoảng 11 - 17 giờ hằng ngày, người dân cần hạn chế lao động, di chuyển nhiều trên đường. Bên cạnh đó, người dân chủ động uống bổ sung nhiều nước, tăng cường về chế độ dinh dưỡng để cơ thể có thể tăng sức đề kháng.
Một cụ ông lang thang ở Hà Nội bị tử vong nghi do sốc nhiệt vì nắng nóng.