Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay ghi nhận 114 ca mắc sởi. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2018 toàn thành phố mới ghi nhận 8 ca mắc sởi.
Thời gian gần đây, số ca mắc sởi ở người lớn tăng đột biến. Chuyên gia cảnh báo, nguy cơ dịch bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm là có thể xảy ra.
Ngày 12/2, Sở Y tế Hà Nội cho biết từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 114 ca mắc sởi. Con số này tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, chỉ tính riêng trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, thành phố đã ghi nhận 6 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2018 toàn thành phố mới ghi nhận 8 ca mắc sởi.
Bệnh sởi hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. |
Mặc dù hiện nay số ca mắc sởi phân bố rải rác ở 23 quận, huyện, chưa có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Sở Y tế Hà Nội, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.
Trả lời trên VOV, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thời gian gần đây, số người lớn mắc sởi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai có xu hướng tăng, với hơn 10 trường hợp/tháng. Tại khoa Truyền nhiễm, từ năm 2018 đến nay đã có khoảng 50 người lớn mắc sởi nhập viện. Riêng 3 tháng trở lại đây, số ca người lớn nhập viện do sởi có xu hướng tăng lên. Nhiều bệnh nhân có biến chứng viêm phế quản phải nhập viện theo dõi.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh sởi cũng như nhiều bệnh do virus, dễ phát triển trong giai đoạn trước và sau Tết vì giai đoạn này thời tiết lạnh và ẩm. Đặc biệt đầu năm 2019 cũng là thời điểm vẫn nằm trong chu kỳ dịch sởi nên không loại trừ nguy cơ bệnh có thể lây lan rộng.
Các điều tra dịch tễ cho thấy, 53,1% trường hợp mắc sởi là trẻ trên 5 tuổi và người lớn. Phần lớn số ca mắc chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều (chiếm đến 89,1%).
Theo các bác sĩ biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh là người dân cần chủ động đi tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Ngay đối với các trẻ lớn trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước 3 tháng cũng cần tiêm bổ sung vaccine sởi để phòng bệnh cho mình và cộng đồng.
Trang Vũ (tổng hợp)