Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, vào chiều 8/10, anh Nguyễn Tiến Dũng (25 tuổi, trú thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh), cùng bạn vào rừng hái nấm để về ăn.
Thấy một loại nấm lạ giống với loại nấm hay mọc ở cây keo. Nghĩ loại này nấu canh tốt nên Dũng đưa về nhà nấu canh ăn.
Những loại nấm vừa mọc sau mưa, có màu sắc sặc sỡ thường là nấm độc và rất nguy hiểm. Vì thế, người dân chỉ nên ăn nấm được trồng, đã biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc.. Ảnh: FB
Đến 18h cùng ngày, sau khi ăn xong thì Dũng, và bà Nguyễn Thị Diêu (47 tuổi, mẹ của Dũng) cùng 2 người hàng xóm là Nguyễn Văn Quyết (29 tuổi), Trần Văn Giáp (30 tuổi) xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi.
Bà Diêu đang được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BSCC
Cả 4 người sau đó được đưa tới Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh thăm khám. Sau khi xác định các bệnh nhân ăn phải nấm độc, bệnh viện đã tổ chức cấp cứu theo phác đồ điều trị ngộ độc như rửa ruột, truyền dịch giải độc.
Hiện sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định.
Theo các bác sĩ, ngộ độc nấm thường gây đau bụng, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng, toàn thân mệt mỏi, da xanh tái, co giật, khó thở… Thậm chí, độc tố của một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, phá huỷ tế bào gan, thận, dẫn đến hôn mê, tử vong.
Những trường hợp ngộ độc nấm, suy gan cấp, điều trị nội khoa thường thất bại, chỉ có biện pháp duy nhất là ghép gan. Tuy nhiên, việc ghép gan thường rất khó khăn do chi phí cao, khó tìm được gan tương thích để ghép và không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện được.