Tin mới

Hãi hùng những hình ảnh chế biển dầu ăn, mỡ bẩn tại Việt Nam

Thứ năm, 30/10/2014, 15:46 (GMT+7)

Vì lợi nhuận cá nhân, không ít cơ sở đã sử dụng mỡ thiu, da lợn thối để chế biến dầu ăn.

 

 

Vì lợi nhuận cá nhân, không ít cơ sở đã sử dụng mỡ thiu, da lợn thối để chế biến dầu ăn

Thất kinh cảnh tượng sản xuất dầu ăn bẩn ở TP HCM

Sáng 29-10, trạm Thú y huyện Bình Chánh (Chi cục Thú y TP.HCM), phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Công an kinh tế huyện “đột kích” vào một cơ sở chuyên thu gom mỡ thối về sản xuất dầu ăn bẩn với số lượng lớn.

Cơ sở sản xuất dầu ăn bẩn nằm ở địa chỉ D20A/28L, ấp 4, xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh), do ông Phan Văn Nghịch (29 tuổi, quê Phú Yên) làm chủ.

Thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện tại cơ sở này đang trữ một lượng lớn mỡ, da heo, hai thùng phuy đựng mỡ nước thành phẩm, tóp mỡ được ép thành bánh chất đống tại góc nhà…không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời điểm này có 4 công nhân cởi trần, đi chân đất đang hì hục phân loại mỡ nhưng không có đồ bảo hộ lao động. Các khâu sản xuất phân loại mỡ, lóc da heo đều được thực hiện trên nền nhà dơ bẩn lẫn nhiều tạp chất. Cơ sở cũng không có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn liên ngành xác định cơ sở này chứa 486kg mỡ tươi đang được công nhân pha lóc trên nền nhà dơ bẩn, 200kg mỡ phụ phẩm ướp bảo quản trong 5 thùng xốp bốc mùi hôi thối, 600kg tóp mỡ (ép thành bánh) và 7 can dầu (loại can 25 lít).

Theo các công nhân làm việc tại đây, cơ sở hoạt động được 4 tháng. Nguyên liệu mỡ, da heo thối được thu gom từ các sạp bán thịt heo ở chợ Tân Xuân và các chợ đầu mối với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/1kg. Mỡ và da heo thối gom về được bỏ vào hai nồi lớn nấu trong vòng 4 tiếng, sau đó cho vào hai khuôn sắt ép trong vòng 1 tiếng để cho ra dầu thành phẩm.

Mỗi ngày lò này sản xuất được khoảng 400kg mỡ, da heo, cho ra thành phẩm là 4 can dầu loại 25 lít, giá bán 25.000 đồng/lít.

Ông Nguyễn Hồng Triệu  - Phó trạm Thú y huyện Bình Chánh cho biết đoàn liên ngành quyết định đình chỉ hoạt động, đồng thời xử phạt cơ sở này 11 triệu đồng đối với hai hành vi vi phạm không giấy đăng ký kinh doanh, kinh doanh sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch.

Chế biến dầu ăn lẫn lốp cao su

Vnexpress đưa tin ngày 12/7/2013 về việc Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam lấy mẫu dầu ăn được cho là lẫn tạp chất cao su tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, để phân tích, phòng tránh nguy hiểm sức khỏe cho người dùng.

Động thái này diễn ra sau khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và người dân địa phương phát hiện cơ sở ép dầu của ông Trương Căn ở thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ, đã cắt nhỏ lốp xe đạp xe máy trộn vào đậu phộng để nghiền thành dầu ăn.

Chi cục trưởng An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho rằng việc trộn lẫn cao su vào đậu phộng để ép thành dầu ăn tại Quảng Nam là vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng.  

Các chuyên gia y tế cho rằng, hiện nay ở Việt Nam chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu các dụng cụ chứa đựng thực phẩm, thức ăn bằng chất liệu cao su ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên quá trình chế biến dầu ăn trộn lốp cao su tại cơ sở của ông Căn thì rõ ràng rất nguy hại.

Một chuyên gia dinh dưỡng nhận định, cao su bao gồm nhiều chất như lưu hóa, độn, xúc tiến, cacbon đen, chất chống oxy hóa... Các chất phụ gia trong cao su dễ hòa tan trong thực phẩm dầu, mỡ. Cao su bị ép nóng tan chảy lẫn vào thực phẩm dầu, mỡ sẽ trở thành hợp chất độc hại. "Người dùng dầu ăn có lẫn cao su thì hệ tiêu hóa, gan, thận không hấp thu được, chất độc tích tụ lâu ngày dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe", chuyên gia dinh dưỡng này nhận định.

Làng mỡ bẩn

Lợi nhuận từ nấu mỡ khá cao nên chẳng mấy chốc nghề này phát triển rộng khắp làng Bình Lương (xã Tân Quang, H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và làng Tân Hội (xã Tân Hội, H.Đan Phượng, TP.Hà Nội). Ước tính mỗi ngày ở Bình Lương và Tân Hội có cả nghìn lít mỡ được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trong số các cơ sở chế biến, đun nấu mỡ ở Bình Lương, “nổi tiếng” hơn cả là hộ ông T., ông H., bà N. Đây là những hộ làm mỡ quy mô lớn và đều tập trung gần khu vực nghĩa địa, nơi cuối làng. Theo ông T., để có đủ nguyên liệu nấu mỡ, người dân Bình Lương phải tỏa đi khắp nơi thu gom da lợn, mỡ bạc nhạc, thịt mỡ... Thậm chí có những chuyến gom hàng kéo dài tới 2 - 3 ngày, vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình, rồi lên cả Thái Nguyên, Bắc Kạn. Nếu thu mua ở xa thì nguyên liệu được đóng trong bao tải, rồi gửi xe khách đường dài về Bình Lương. Tương tự, ở làng Tân Hội cũng vậy.

Tại làng Tân Hội, mỡ cũng được chế biến theo “công nghệ” như vậy. Có hộ bà L., bà N. mỗi ngày nấu không dưới 5 tạ mỡ. Theo lời chủ các cơ sở này, mỡ nấu nhiều, người trong gia đình làm không xuể nên phải thuê thêm lao động, mở rộng diện tích cơ sở chế biến. Tại cơ sở của bà N., 4 chiếc bếp lò loại lớn thường xuyên hoạt động hết công suất, mùi mỡ bẩn khó chịu khiến những người làm công thạo việc nhất cũng phải dùng khẩu trang. Còn sâu phía trong, những chiếc can nhựa cáu bẩn, hôi hám đựng mỡ, được xếp cao ngất.

Theo những người làm công, mỡ và tóp mỡ được tích lại, đợi tới khi nào đủ một chuyến xe tải thì mới đem giao cho các nhà hàng ăn uống, quán nhậu, quán cơm bình dân… trên địa bàn Hà Nội.

Theo Bảo An/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news