Ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, người dùng di động (kể cả trả trước hay trả sau) còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại.
Với các thuê bao đã hòa mạng và sử dụng từ lâu, nhà mạng sẽ phải nhắn tin đề nghị họ lần lượt đến chụp ảnh chân dung để đảm bảo thực hiện đúng quy định của luật. Ảnh minh họa |
Mới đây, đại diện một số nhà mạng cho biết họ đã bắt tay triển khai quy định của Nghị định 49/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông.
Theo đó, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, người dùng di động (kể cả trả trước hay trả sau) còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại.
Cụ thể, theo nghị định 49/2017, sau 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực (24/4/2017), doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin về thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình đúng với quy định trên.
Trong thời gian đó (từ 24/4/2017 đến 24/4/2018), các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước - đang sử dụng dịch vụ nhưng chưa tuân thủ theo đúng quy định - thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này.
Đối với các thuê bao di động đã có thông tin đăng ký chính xác (không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung), quy định cũng nêu rõ doanh nghiệp phải “bổ sung thêm ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp với quy định này”.
Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy thông tin giấy tờ tùy thân, ảnh chụp chân dung đối với các thuê bao đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Nghị định 49 cũng quy định rõ, doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu thuê bao, trước khi phải chịu phạt tiền nếu bị phát hiện thông tin thuê bao sai lệch.
Mục đích của việc ban hành Nghị định 49 nhằm tránh tình trạng SIM “rác” được rao bán tràn lan, không kiểm soát. Đồng tời, tăng cường quản lý thuê bao di động và ngăn chặn tin nhắn rác. Mỗi ngày ở Việt Nam có gần 14 triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các sim rác. Nhiều đối tượng đã dễ dàng mua những số thuê bao này để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như an ninh thông tin, quốc phòng.
Khi doanh nghiệp rà soát thông tin thuê bao đã đăng ký, nếu thấy thuê bao di động có thông tin không đúng quy định sẽ phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Doanh nghiệp cũng phải “chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác của thông tin của các thuê bao đó”.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - truyền thông, tính đến tháng 3/2017, tổng số thuê bao di động phát sinh lưu lượng (cả trả trước lẫn trả sau) ở Việt Nam là 119,77 triệu thuê bao.
Điều này cũng đồng nghĩa 119,77 triệu thuê bao này phải đi bổ sung thêm ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện sở hữu SIM số và sử dụng dịch vụ di động theo quy định của pháp luật.
Đại diện nhiều nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam cho biết, các nhà mạng đang triển khai Nghị định 49. Tất cả các thuê bao mới đều phải đến điểm giao dịch để chụp ảnh chân dung. Đối với các thuê bao cũ, việc gọi điện, giải thích quy định mới rất mất thời gian. Hàng ngàn khách hàng phản ứng, bức xúc vì không đồng ý đến cửa hàng, đại lý giao dịch để chụp lại ảnh mới.
Đức Hòa (tổng hợp)