Tin mới

Hệ lụy của mạng xã hội: Khi “ném đá” không cần kiểm chứng

Thứ bảy, 27/02/2016, 10:16 (GMT+7)

Đoạn clip đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, hút một lượng bình luận “khủng”. Chỉ sau 3 giờ đăng tải đã có 504.000 lượt người xem trên một fanpage.

Đoạn clip đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, hút một lượng bình luận “khủng”. Chỉ sau 3 giờ đăng tải đã có 504.000 lượt người xem trên một fanpage.

Dư luận đang “nổi sóng” trước đoạn clip ghi lại cảnh một nam sinh đánh tới tấp nữ sinh ngay tại lớp, kèm theo mô tả: “Bạn nữ chụp ảnh mẹ bạn nam làm lao công post lên Facebook với lời lẽ xúc phạm mẹ bạn ý. Đến trường bạn nam này hỏi nguyên nhân thì bạn nữ văng lời xúc phạm thêm thế là...”. Thế nhưng, phía sau hình ảnh có phần dã man này là sự thật đầy bất ngờ. Vậy, trách nhiệm của quản trị các trang mạng đến đâu khi đăng hình ảnh, thông tin mà không cần kiểm chứng?

Người nhà nạn nhân lên tiếng

Sau khi được tung lên “phây”, đoạn clip trên đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, hút một lượng bình luận “khủng”. Theo khảo sát của PV, chỉ sau 3 giờ đăng tải đã có 504.000 lượt người xem trên một fanpage. Chắc chắn, nếu tính tổng các trang, có lẽ lượng người xem không dưới hàng triệu lượt, chưa kể người dùng “phây” có thể tải về và tiếp tục lan truyền. Đáng nói hơn, hàng triệu bạn trẻ đã xem clip và đồng tình với hành xử của nhân vật nam. Họ cho rằng nhân vật nữ bị đánh là đáng và phải gánh chịu rất nhiều lời chửi rủa thậm tệ.

Hệ lụy của mạng xã hội: Khi “ném đá” không cần kiểm chứng

Clip dù chưa được kiểm chứng vẫn được phát tán trên nhiều fanpage.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, sự thực phía sau những hình ảnh dã man này lại khác hoàn toàn. Chia sẻ với PV, anh Thái Anh – người nhà của nữ sinh nói trên cho biết: “Sự thực đây là một vụ việc đã từng làm gia đình mình rất sốc từ cách đây 2 năm. Bởi, nữ sinh bị đánh trong clip chính là em gái, con dì ruột của mình. Cách đây 2 năm, là học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh. Lần đó, clip cũng được chia sẻ rất nhiều trên mạng, dư luận xôn xao như hàng trăm vụ bạo lực học đường khác. Cả gia đình thất vọng vì một đứa cháu, đứa em ngoan hiền mà gia đình vẫn kỳ vọng giờ “nổi tiếng” với hình ảnh không mấy tốt đẹp, mà nguyên nhân chính là “tình yêu học trò” nông nổi chứ hoàn toàn không phải là “xúc phạm một cô lao công”.

Theo lời kể của anh Thái Anh, thời điểm đó, nhà trường biết, phía gia đình cũng đã xin giảm nhẹ hình phạt cho nam sinh nói trên để có cơ hội sửa chữa. Nam sinh bị kỷ luật cảnh cáo, không cho thi tốt nghiệp THPT năm đó. Thế nhưng, sau khi sự việc bị phát tán, nữ sinh này không chỉ đau đớn về thân thể mà rất sốc. Cô gái sợ mọi người dòm ngó, bàn tán, đến nỗi gia đình từng có ý định xin chuyển trường cho em đi học ở một tỉnh khác để mọi người không còn bàn tán. “Nhưng may mắn thay, em lại tự đứng dậy lúc đó, tự đứng dậy đúng nghĩa khi chỉ còn 3 tháng nữa là kỳ thi đại học. Em học ngày đêm rồi kết quả làm mọi người hoàn toàn bất ngờ, em đỗ ĐH với số điểm khá cao, vui mừng khôn xiết”, anh Thái Anh kể.

Những tưởng sau 2 năm, những nỗi đau của hai nhân vật chính sẽ rơi vào quên lãng. Bất ngờ, một loạt các fanpage nổi tiếng đưa clip lên với lời mô tả hoàn toàn sai sự thật. Theo anh Thái Anh: “ Em gái mình bị hàng triệu bạn trẻ khác chửi bới, miệt thị, nguyền rủa... dù không biết nguyên nhân thực sự có phải như thế không? Em gái mình lại thêm một lần sốc tinh thần nặng nề vì lo sợ bạn bè đại học sẽ nghĩ gì, mọi người sẽ nghĩ gì khi em đang sống, học tập tại Hà Nội? Sau 2 năm sự việc lắng xuống, sẽ còn có những tình huống xấu nào nữa nếu em mình không vững vàng mà nghĩ quẩn?”.

Anh Thái Anh cũng cho biết, bản thân anh đã gửi tin nhắn cho các fanpage kia, nhưng còn rất nhiều trang khác đang đưa lại hình ảnh một lần nữa mà không hề biết sự thực.

Cần xử một số vụ điển hình làm... án lệ

Nhân vật trong clip trên có lẽ không phải trường hợp duy nhất bị dân mạng chửi oan. Trước đó, nhiều vụ việc đã dẫn đến cái kết đau đớn. Cách đây không lâu, một nữ sinh lớp 12 của trường THPT ở Thạch Thất (Hà Nội) đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị, khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết.

Mạng xã hội – nơi vốn dĩ chỉ mang mục đích giải trí nay đã trở thành “vũ khí” để hạ bệ nhau, thậm chí khiến nhiều người “chết oan”. Câu hỏi đặt ra, đến bao giờ, các fanpage sẽ thôi ném lên đó các hình ảnh, thông tin mà không cần kiểm chứng? Trách nhiệm pháp lý của chủ các fanpage này đến đâu?

Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Quy định pháp lý về hoạt động của mạng xã hội đã có. Tuy nhiên, thói quen bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, ví dụ quyền tự do về hình ảnh... với người dân Việt Nam nói chung chưa được bảo vệ tốt. Hành lang pháp lý cũng chưa theo kịp. Thế nên, khi thông tin thất thiệt được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội như diễn đàn, Facebook thì thiệt hại về tinh thần, tài sản cũng không dễ đo đếm”.
Theo LS. Phất, việc truy tìm người đầu tiên đăng tải thông tin trên “phây” cũng không đơn giản vì có những clip được tải về máy sau đó đăng lên. Không phải vụ việc nào cũng tìm được người đầu tiên, xử lý nhanh chóng như vụ “chê” một lãnh đạo tỉnh tại phía Nam vừa qua. Và không phải nơi nào cũng huy động được 12 cơ quan Nhà nước vào cuộc năng nổ như vậy!

Dưới góc nhìn xã hội, TS. Trịnh Hoà Bình, Giám đốc trung tâm Điều tra dư luận xã hội (viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ: “Nhiều người "xông" vào mạng xã hội, mạng internet vì nghĩ nó dễ hơn, vì nghĩ chỉ có mình đối diện với mình. Và lúc đó, họ không cảm thấy sự kiểm soát, không thấy rào cản trước mặt. Nhưng, cái hướng của họ vẫn là đưa đến cộng đồng. Họ không ngờ hiệu ứng của thông tin đưa ra với cộng đồng lớn như vậy. Đúng là, một cá nhân thì không thể hình dung được sức mạnh của Cộng đồng mạng với những bài, câu nói của họ trên mạng xã hội. Dù là hòn đá, có ném vu vơ nhưng trúng một ai đó thì người ném vẫn phải chịu trách nhiệm”.

Các chuyên gia đều chung quan điểm là mỗi cá nhân sống trong “thế giới ảo” cần đến kỹ năng sàng lọc thông tin, tuy nhiên vai trò quản lý Nhà nước vẫn là yếu tố vô cùng cần thiết. Theo LS. Phất, từng người không thể lần mò đi tìm quyền lợi của mình trong các vụ việc tương tự. Về mặt lý thuyết, những hành vi sai trái ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi phải bồi thường, thậm chí xử lý hình sự nếu cấu thành tội phạm.

Không tán thành sử dụng mạng xã hội một cách dễ dãi Nói về vấn đề quản lý, TS. Trịnh Hoà Bình thẳng thắn bày tỏ quan điểm không tán thành với việc sử dụng mạng xã hội một cách dễ dãi để bày tỏ chính kiến, thái độ. Nhất là dùng để mạt sát, lên án người khác. Nói không có sách, mách không có chứng, nói cho sướng miệng. Đến lúc có chuyện thì lại xin lỗi và gỡ xuống là xong. Theo TS. Bình, vấn đề không phải gỡ xuống là hết vì ngay khi bắt đầu, nó đã lan tỏa trên mạng xã hội và tác động của thông tin đã gây hậu quả.

Đỗ Thơm

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: fanpage