Vì áp lực học hành, thi cử, nhiều học sinh “giải thoát” mình bằng cách tự tử, số khác lo âu, sợ hãi triền miên và phát bệnh tâm thần trong nỗi lòng xót xa của gia đình, bạn bè.
Theo BS. Nguyễn Văn Dũng (Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), nhóm đối tượng học sinh – sinh viên đếm khám, tư vấn và điều trị trong viện chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân. Thời điểm nhập viện rải rác nhưng tập trung nhất là vào mùa thi. Có những học sinh sắp sửa đối mặt với thi tốt nghiệp nên sợ thi dẫn tới hiện tượng nôn, co giật, cùng các triệu chứng giả khác rồi vào nhập viện để trốn thi. Lại có nhiều học sinh sau khi thi tốt nghiệp xong, bản thân rất muốn thi vào các trường ĐH, do lo lắng mình không đủ khả năng nên cũng phát bệnh. Số khác, do thời gian ôn thi quá dài, cơ thể bị suy nhược, biểu hiện ra ngoài là các chứng đau đầu mất ngủ, lo âu, chán chường, những trường hợp nặng hơn thì sợ hãi, hoang tưởng, khóc lóc và cũng phải nhập viện điều trị.
Phía sau cánh cửa mỗi phòng bệnh của Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) là những câu chuyện xót xa
Viện Sức khỏe Tâm thần đã từng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân là học sinh, sinh viên nhập viện trong sự xót xa của gia đình, bạn bè. Đó là một thí sinh học rất giỏi, ôm giấc mơ vào học ĐH Bách khoa. Do áp lực thi cử nên trước kỳ thi học sinh này bị mất ngủ, đến khi vào phòng thi, cậu có biểu hiện của chứng loạn thần, không làm bài như các bạn mà cứ tự nhảy múa trong phòng. Trường hợp khác là thí sinh do niềm kỳ vọng của gia đình đặt vào mình quá lớn nên sau khi hoàn thành bài thi thứ nhất, đến bài thứ hai thì lăn đùng ra giữa phòng. Nhà trường đã đưa thí sinh này đi cấp cứu tại trạm xá của hội đồng thi đó nhưng học sinh này vẫn nôn nhiều, kết cục là phải bỏ thi khối A giữa chừng.
Theo BS. Dũng, có nhiều nguyên nhân khiến các sỹ tử trẻ tuổi phải nhập viện điều trị tâm thần. Thứ nhất là do nguyên nhân nội sinh, chứng bệnh vốn đã tiềm ẩn trong cơ thể, khi chịu sự tác động, thay đổi của các yếu tố bên ngoài, căn bệnh mới phát ra ngoài. Thứ hai là do gia đình, do bạn bè quá tin tưởng, vô hình trung tạo ra áp lực, khi cảm thấy bản thân không đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi người thì cũng sinh bệnh (y học gọi là rối loạn cấp). Thứ 3, học sinh đó đang mắc một chứng bệnh gì đó như cảm cúm, suy nhược cơ thể… khi cộng thêm cả việc ôn thi quá mức thì cũng sẽ phát bệnh.
Việc điều trị cho các bệnh nhân tâm thần không dễ dàng: “Nếu bệnh nhân vừa suy nhược cơ thể lại vừa dị ứng với thuốc hoặc bệnh nhân mắc các chứng bệnh cơ hội như bệnh tim gan, bệnh phổi, các bệnh suy giảm miễn dịch thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Những người bị loạn thần, thời gian điều trị lâu dài, thường phải từ 3 – 6 tháng mới có kết quả, chưa kể tới việc bị tái phát lại. Ngoài điều trị tại bệnh viện, việc điều trị tái hòa nhập cộng đồng cũng rất quan trọng, nếu không có sự phối hợp của gia đình, cũng như tuân thủ uống thuốc của bệnh nhân thì tỉ lệ thất bại rất lớn”, BS. Dũng nói.
Cũng theo BS. Dũng, tâm thần có một tỉ lệ chung trong dân số, để giảm bớt được những trường hợp nhập viện vì bệnh này thì việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền nhiều về sức khỏe tâm thần để mọi người hiểu rõ về nó. Bộ Giáo dục cần có một chương trình y tế, các kiến thức y tế được dạy trong các trường để học sinh, sinh viên có hiểu biết về các phương pháp học tập đúng đắn, biết cách giải tỏa căng thẳng, tránh lo âu, chán chường vì áp lực học hành. Đặc biệt, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện của con cái để đưa con đi tư vấn tâm lý, điều trị kịp thời. BS. Dũng khuyên: “Khi thấy con cái bị rối loạn chu kỳ sinh lý bình thường, ví như giấc ngủ lâu (hoặc ít ngủ), cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thì thất thường, thì cần đưa con đi khám bác sĩ ngay để điều trị”.
Theo Vietq