Trong lúc ăn sáng, người đàn ông bất ngờ bị sặc, khó thở, khàn tiếng, nuốt đau. Bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện để gắp dị vật là một phần hàm răng giả.
Mới đây, tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An vừa tiếp nhận liên tục 2 trường hợp khó thở, nuốt đau, ho dai dẳng do mắc vào đường hô hấp.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Ngô Sỹ B. (73 tuổi), qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện dị vật dài 3cm, rộng 2cm, có mấu đang bám chặt vào thành thanh quản bệnh nhân.
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Hùng, khoa Tai Mũi Họng cho biết: "Dị vật nằm kẹt giữa vị trí hai dây thanh kéo dài từ thượng thanh môn xuống hạ thanh môn; gần như che lấp toàn bộ cửa thanh quản khiến bệnh nhân khàn tiếng, đồng thời gây nên tình trạng khó thở, thở rít thành tiếng.
Ngay lập tức, chỉ định can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân được thực hiện, bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi gắp ra ngoài dị vật là một phần của hàm răng giả với 2 chiếc răng. Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt và sớm được ra viện".
Liên quan đến những trường hợp tai nạn do dị vật, các bác sĩ tại BV cũng cho hay, một trong những khoa thường xuyên gặp bệnh nhân bị dị vật đường thở là khoa Hô hấp.
Thời gian qua, khoa Hô hấp của Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An liên tục tiếp nhận và tiến hành nội soi gắp thành công những dị vật là mẩu xương thức ăn lớn nằm sâu trong phổi của các bệnh nhân. Đây đều là những ca nội soi khó mà bác sỹ khoa đã thực hiện.
Một trong những ca bệnh tới từ một nữ bệnh nhân huyện Nghĩa Đàn. Bệnh nhân Châu Thị H. (43 tuổi, Nghĩa Đàn) vào viện trong tình trạng , ho, khạc đờm mủ tái diễn liên tục trong thời gian dài.
Mẩu xương dài 4 cm được gắp ra
Dù đã đi khám, điều trị tại nhiều bệnh viện, nhưng các biểu hiện bệnh đường hô hấp, viêm phổi, ho vẫn tái nhiễm liên tục. Kết quả chụp cắt lớp phổi cho thấy có hình ảnh dị vật trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải, gây viêm phổi cho bệnh nhân. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã từng bị hóc xương gà cách đây một năm.
Bệnh nhân H. chia sẻ: "Một năm qua tôi ho dai dẳng, uống thuốc liền 2-3 tháng không đỡ. Cá biệt, có những trường hợp, ho dai dẳng hàng năm trời, điều trị ở khắp nơi, hết uống thuốc tây, đến đông y, rồi thuốc nam… mà vẫn không trị được chứng ho.
Đến khi bác sỹ tìm ra được dị vật bị bỏ quên, mẩu xương dài 4 cm được gắp ra thì tình trạng bệnh đỡ hơn hẳn".
Các BS khuyến cáo, dị vật đường thở là tai nạn nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nhanh do bị ngạt thở. Những trường hợp cả người lớn và trẻ em sau khi bị ho sặc, xuất hiện cảm giác khó thở, khàn tiếng hoặc mất tiếng cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, điều trị kịp thời.