“Thay đổi tên gọi lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng cũng có gì khác đâu. Thay vì mất công với những việc làm đó, hãy nghĩ đến thay đổi phương pháp giảng dạy”.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới (VNEN). Tuy nhiên, dư luận cho rằng vẫn còn nhiều điểm của dự thảo này chưa phù hợp với thực tế.
Trẻ sớm hình thành tâm lý “ra oai”
Theo điều 17 của dự thảo quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh (HS). Trong lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể HS bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên.
Mỗi lớp học chia thành các tổ, ban hoặc nhóm học sinh, trong đó có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký. Tuy nhiên, những chức danh này đã nhận được những quan điểm không mấy đồng tình.
Phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ông Thuyết cho biết: "Đặt ra quá nhiều chức vụ lớp trưởng, lớp phó, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản, tổ trưởng, tổ phó rồi thư ký... trong khối tiểu học chỉ làm học sinh quen với bộ máy quản lý quá cồng kềnh ngay từ khi còn nhỏ.
“Bộ GDĐT mặc áo đại cán cho trẻ sớm quá. Với trẻ bậc tiểu học, chức vụ để làm gì? Quá nhiều chức danh, liệu trẻ có làm được hay không? Học sinh tiểu học còn nhỏ, ngây thơ mà gọi là chủ tịch hội đồng tự quản. Tôi nghĩ không nên đưa các cháu vào hệ thống quan chức rối ren ngay từ quá sớm”, ông Thuyết cho hay.
Trẻ dễ mắc tâm lý ra oai vì có chức vị. Ảnh minh họa |
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, thay đổi lớp trưởng, lớp phó luân phiên nhằm rèn luyện, tạo điều kiện cho mỗi học sinh có kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm. Bởi, trẻ nắm giữ chức vụ quá lâu sẽ quen với chức quyền, hình thành tâm lý ra oai.
Vị giáo sư cũng lo ngại, nếu giáo viên không quán triệt từ đầu (mỗi chức danh nắm giữ trong bao lâu) sẽ rất dẫn đến tình trạng trẻ sốc khi mất chức. Hơn nữa, một cháu có khi làm lớp trưởng, lớp phó mãi thì có thể sẽ chủ quan, bắt nạt bạn. Tên gọi “chủ tịch hội đồng tự quản" trong nhà trường là không hay. Bởi từ trước tới nay, các từ “lớp trưởng”, "lớp phó” rất gần gũi với học sinh và bao hàm ý nghĩa trong một lớp, có một người trưởng chịu trách nhiệm. Chức “chủ tịch" là những từ chỉ những vị trí ở ngoài xã hội. Vì thế, nói “chủ tịch” của một lớp là không phù hợp. Đồng thời dùng những từ này có thể tạo cho học sinh tâm lý tranh chức, tranh quyền ngay từ nhỏ.
Nên thay đổi bản chất của vấn đề hơn là thay tên gọi
Còn theo phó GS.TS tâm lý Mạc văn Trang: “Cái gì đã thành nền nếp xưa nay thì cứ để vậy mà dùng, thay đổi hình thức cũng chẳng để làm gì. Hai cái tên lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng cũng chỉ vậy thôi. Quan trọng là lớp trưởng do các em bầu lên, thứ hai là nhà trường nên tổ chức các lớp bồi dưỡng phong cách lãnh đạo cho các em lớp trưởng, quy định chức năng nhiệm vụ một cách rõ ràng. Nếu lớp trưởng không có khả năng lãnh đạo thì dù có gọi chủ tịch hay lớp trưởng thì cái tên vẫn không hề thay đổi”.
PGS, TS. Mạc Văn Trang nếu quan điểm về mô hình giáo dục mới |
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng quá tải, để đáp ứng 30 HS trong 1 lớp là khó khăn. Tuy nhiên, số lượng HS không phải là vấn đề tiên quyết trong việc thực hiện mô hình VNEN. Chúng ta hãy hướng đến một nhà trường dân chủ hóa, giáo viên nên cho trẻ trải nghiệm nhiều, không nên đánh giá HS qua điểm số, sếp hạng mà nên đánh giá về năng lực, phẩm chất của từng người.
Mục tiêu của mô hình VNEN là rèn cho học sinh tính tự tin, cởi mở, thân thiện hơn, có thể vận dụng những kiến thức ở trường học vào thực tiễn cuộc sống. Nếu giáo viên được đào tạo đúng bài bản, có tinh thần dân chủ, tôn trọng học sinh, có chuyên môn, năng lực thì sẽ đào tạo ra những học sinh có khả năng lãnh đạo và có kiến thức tốt.
“Ở nước ta hiện nay, giáo viên giảng dạy còn mang tính áp đặt. Chưa cho HS làm việc nhóm thường xuyên, thảo luận nhóm thì sợ mất thời gian. Giáo viên sợ mình không được nói, sợ HS gây ồn ào, mất trật tự... Nếu chúng ta muốn mô hình giáo dục mới đạt được kết quả tốt thì chúng ta hãy cho trẻ làm việc nhóm nhiều hơn, hãy để cho chúng được phát biểu, nói lên ý kiến của mình. Để thực hiện tốt điều này, gia đình, nhà trường hãy biết lắng nghe tiếng nói của con em mình hơn thì trẻ sẽ sớm hoàn thiện và tự lập.
Cù Hiền