Tin mới

Học sinh văng tục, chửi bậy: Không nói thấy "nhạt mồm, nhạt miệng"?

Thứ năm, 18/06/2015, 16:04 (GMT+7)

Chuyện giới trẻ, trong đó có một bộ phận học sinh, sinh viên nói bậy chửi tục không còn xa lạ với dư luận nhiều năm gần đây. Thế nhưng nó lại nóng lên khi mới đây, UBND thành phố Hà Nội có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng này.

Chuyện giới trẻ, trong đó có một bộ phận học sinh, sinh viên nói bậy chửi tục không còn xa lạ với dư luận nhiều năm gần đây. Thế nhưng nó lại nóng lên khi mới đây, UBND thành phố Hà Nội có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng này. 

Trên thực tế, hiện nay, ở bất cứ nơi nào cũng có thể nghe thứ ngôn từ tục tĩu, từ quán nước, hàng ăn, bến xe đến cổng trường học... Nhưng có lẽ kinh khủng nhất phải là ở các quán game. Không chỉ tục tĩu ở ngoài đời, một số bạn trẻ còn "văng" bạt mạng trên các trang mạng xã hội. 

Học sinh văng tục, chửi bậy: Không nói thấy nhạt mồm, nhạt miệng?

Nhóm học sinh nam một rường THPT ở Hà Nội ngồi hút thuốc, văng tục, chửi bậy ngay trước cổng trường. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Khi được hỏi, đa số học sinh nói bậy đều cho là "do quen miệng", thậm chí có em không ngại ngần mà nói rằng "nói quen rồi, giờ không nói thì cảm thấy nhạt mồm, nhạt miệng và khó diễn đạt được hết ý...".

Nói về "nguồn lây nhiễm", có em nói rằng do ở nhà ai cũng nói thế, có em nói nhiễm từ bạn bè. 

Nguyễn Thị Linh, học sinh một trường THCS ở Cầu Giấy cho biết, ở nhà bố mẹ không nói đệm từ tục tĩu nhưng do chơi với một số bạn có thói xấu này nên em cũng bị nhiễm.

"Lúc đầu nghe các bạn văng tục em cũng ngượng và thấy lạc lõng, nhưng rồi nghe nhiều em bị nhiễm lúc nào không biết. Em chỉ nói khi ngồi, đi chung với các bạn ấy thôi còn về nhà thì em không nói", Linh chia sẻ.

Mổ xẻ nguyên nhân, hầu hết các chuyên gia giáo dục, xã hội đều cho rằng do các em "lây nhiễm" từ gia đình, xã hội. 

Trong một cuộc trao đổi trên báo Giáo dục Việt Nam, PGS Văn Như Cương nhận định: “Nói bậy, chửi thề có thể do các em học sinh thấy người xung quanh nói nhiều, lại không được ai nhắc nhở rằng việc đó là sai trái nên cứ quen miệng học theo". Trong câu chuyện này, trách nhiệm thuộc về người lớn, các bậc cha mẹ trong gia đình, các thầy cô giáo trong nhà trường và những người tham gia quản lý xã hội. Để giảm thiểu hiện tượng nói tục, chửi bậy, gia đình, nhà trường cần có cách giáo dục phù hợp đối với trẻ - không lý thuyết suông, không nặng tính giáo điều mà cụ thể từng việc, từng người, uốn nắn ngay khi trẻ làm sai. Muốn trẻ tránh thói xấu thì người lớn phải tỏ thái độ làm gương, nói năng đúng mực. 

Đồng quan điểm, trao đổi trên báo Tuổi trẻ mới đây, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, trong gia đình, nếu cha mẹ nói bậy trước mặt con cái thì tất trẻ sẽ học theo. Ngoài chợ, siêu thị, trên đường phố, người lớn thản nhiên nói bậy, chửi tục trước mặt con trẻ thì trẻ sẽ thấy đó là vấn đề bình thường của cuộc sống. Và khi điều đó ăn sâu vào nhận thức của học sinh thì “lệnh cấm” trong nhà trường chỉ có thể ngăn ngừa một cách “cưỡng bức”, nó không lâu bền, thậm chí sinh ra tâm lý đối phó của học sinh.

"Theo tôi nghĩ, chúng ta vẫn cần có những quy định cụ thể nơi công cộng, trong nhà trường, cơ quan, thậm chí có thể đề ra chế tài với các mức độ xử lý cụ thể. Nhưng điều nên làm hơn cả là tác động đến nhận thức của giới trẻ. Các trường, thậm chí các cơ quan truyền thông, nên tổ chức các diễn đàn để giới trẻ thẳng thắn bộc lộ quan điểm về việc này...

Được trao đổi, thảo luận, trải nghiệm, tôi nghĩ các bạn trẻ sẽ tự rút ra cho mình những lựa chọn riêng... Nếu các em hiểu được cách ăn nói, hành vi ứng xử cũng là một cách biểu thị sự hiểu biết, văn hóa, phản chiếu tư cách của mỗi người thì các em sẽ thận trọng và thay đổi theo chiều hướng tích cực", ông Lâm nói. 

H.M (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news