Vụ ẩu đả xảy ra ngày 24/4 tại cổng trường cao đẳng Nghề kỹ thuật - mỹ nghệ Việt Nam giữa hai học sinh trường THPT dân lập Bắc Đuống và giáo viên trường cao đẳng Nghề kỹ thuật - mỹ nghệ Việt Nam, một lần nữa gióng lên hồi chuông về quan hệ thầy – trò đang rạn nứt ở môi trường giáo dục hiện nay...
Cổng trường cao đẳng Nghề kỹ thuật - mỹ nghệ Việt Nam – nơi xảy ra vụ ẩu đả. |
Trò thẳng tay đánh gẫy răng thầy
Ngày 27/4, PV báo Đời sống và Pháp luật đã đến trường cao đẳng Nghề kỹ thuật – mỹ nghệ Việt Nam để tìm hiểu vụ việc. Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Bộ (bảo vệ của trường cao đẳng Nghề kỹ thuật - mỹ nghệ Việt Nam), người trực tiếp chứng kiến vụ việc cho biết: “Khoảng 10h sáng 24/4, khi tôi đang ngồi trực trong phòng bảo vệ thì thấy thầy Hải dắt xe ra về khi đã hết tiết dạy. Khi thầy Hải lái xe ra phía sau phòng bảo vệ thì có tiếng hô lớn có đánh nhau. Tôi chạy ra thì thấy có hai học sinh đang đánh thầy Hải. Thấy thế, tôi liền đẩy hai học sinh ra lôi thầy Hải đưa vào phòng bảo vệ trong tình trạng quần áo rách tả tơi, không còn mảnh vải trên người, mồm thầy bị sưng và chảy máu".
Theo anh Bộ cho biết, hai học sinh này giật rách áo, liên tiếp dùng mũ bảo hiểm đánh vào mặt làm thầy Hải gẫy răng chảy máu rất nhiều. Bị đánh bất ngờ và không kiềm chế được, thầy Hải đã phản kháng, đánh lại 2 học sinh. Hai bên ẩu đả cho đến khi có người can ngăn. Nguyên nhân xảy ra vụ ẩu đả này là do trong buổi dạy Toán khối 11 sáng thứ Bảy, thầy Hải có lớn tiếng nhắc nhở hai học sinh và đuổi hai học sinh này ra khỏi lớp. Tuy nhiên, khi bị thầy giáo phạt, hai học sinh đã cãi lại và chờ trước cổng trường để “xử lý” thầy Hải.
Theo tìm hiểu được biết, trường THPT Bắc Đuống đang liên kết với trường CĐ Nghề kỹ thuật – mỹ nghệ Việt Nam, để thuê địa điểm làm cơ sở 2 và thuê luôn cả giáo viên dạy học các môn văn hóa của trường CĐ Nghề kỹ thuật - mỹ nghệ Việt Nam.
Hình ảnh hai học sinh đánh thầy giáo gẫy răng, không còn mảnh áo trên người. |
Theo anh Nguyễn Huy Thanh (bảo vệ của trường CĐ Nghề kỹ thuật – mỹ nghệ Việt Nam), học sinh trường THPT Bắc Đuống học tập tại cơ sở này chủ yếu là những học sinh học trung bình và có phần nghịch ngợm, xảy ra đánh nhau ở trường là điều khó tránh được. Cũng vì thế mà năm nay, trường THPT Bắc Đuống cũng chưa tuyển được nhiều học sinh lớp 10, có lẽ sau khi những học sinh lớp 11 năm nay ra trường thì năm tới, cơ sở này sẽ được trả lại cho trường CĐ Nghề kỹ thuật – mỹ nghệ Việt Nam.
Xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”?
Trao đổi với PV, thầy Ngô Minh Châu (Phó Hiệu trưởng trường CĐ Nghề kỹ thuật – mỹ nghệ Việt Nam) cho biết: “Sáng thứ Bảy, thầy Hải được phân công dạy môn Toán lớp 11 trường THPT Bắc Đuống. Do nhà trường đã ký kết hợp tác với trường Bắc Đuống từ trước, cộng với thầy Hải có chuyên môn Toán (đã tốt nghiệp sư phạm Toán trường ĐH Quy Nhơn), cộng với do làm công tác tuyển sinh có ít việc nên được Ban giám hiệu phân công dạy thêm môn Toán của trường THPT Bắc Đuống”.
Theo thầy Châu cho biết, thầy Hải công tác tại trường CĐ nghề kỹ thuật – mỹ nghệ Việt Nam được hơn 4 năm, là một giảng viên có chuyên môn tốt, hiền lành, từ khi về trường được rất nhiều đồng nghiệp yêu quý, chưa có bất kỳ điều tiếng gì. Tuy nhiên, trong những giờ học thì lại khá nghiêm khắc đối với học sinh.
“Việc thầy Hải bị đánh nguyên nhân là do mâu thuẫn trong lớp học, mức độ như thế nào thì bên trung tâm y tế chưa thông tin lại. Tuy nhiên, qua quan sát, thầy Hải bị gẫy một cái răng và xây xát nhẹ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã gọi điện trình báo cơ quan Công an đồn Nam Đuống (thuộc Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội). Họ đã tiếp nhận điều tra và xử lý vụ việc, yêu cầu thầy giáo, hai học sinh trường THPT Bắc Đuống viết bản tường trình để gửi lên công an”, thầy Châu cho biết.
Liên quan đến hai học sinh trường THPT Bắc Đuống, thầy Nguyễn Huy Đông (Phó Hiệu trưởng trường THPT Bắc Đuống) – là người trực tiếp quản lý cơ sở 2 - cho biết: “Hai học sinh gây ra vụ ẩu đả là học sinh lớp 11 của trường, hai em này có học lực trung bình. Do các em còn trẻ, suy nghĩ bồng bột nên mới để xảy ra cơ sự này. Ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã cho các em làm bản tường trình, đồng thời mời phụ huynh của các em này đến để giải quyết”.
“Nguyên nhân của vụ việc đang được cơ quan công an làm rõ, mức độ vi phạm của các học sinh này đến đâu chúng tôi sẽ xử lý đến đó. Trước mắt trong tuần này, nhà trường sẽ họp hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức xử lý. Nhưng quan điểm của nhà trường là chú trọng công tác dạy học, còn vấn đề xử lý chỉ là thứ yếu, miễn làm sao cho các em nhận thức được hành vi của mình, đồng thời hy vọng các em sẽ rèn luyện đạo đức tốt hơn”, thầy Đông chia sẻ.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Phó trưởng đồn Công an Nam Đuống (Công an huyện Gia Lâm) xác nhận: “Chúng tôi đã tiếp nhận vụ việc, đang tiếp tục điều tra và sẽ sớm có kết luận”.
Nếu thầy nghiêm túc thì chắc không có chuyện buồn đó Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường (Phó Giám đốc trung tâm Đào tạo báo chí và truyền thông, trường ĐH KHXH&NV – Hà Nội) chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật: Tôi cũng được đứng trên lớp, với nhiều thế hệ học trò. Các em đang tuổi trưởng thành nên cũng có nhiều ý kiến, nhiều quan điểm, thậm chí nhiều cá tính. Tuy nhiên, trên cơ sở tôn trọng các em, các em là trung tâm của lớp học, nên phải lắng nghe ý kiến của các em. Từ đó, mới có biện pháp ứng xử với các em sao cho đúng mực và đúng chuẩn của môi trường sư phạm. Việc thầy giáo Hải trên đuổi các em ra khỏi lớp, tôi chưa biết đúng sai thế nào. Nhưng tôi nghĩ rằng, cần phải nắm được tính cách của từng học sinh thì mới có biện pháp giảng dạy tốt được. Việc các em phản kháng là sai, nhưng ở một góc độ nào đó, nó cũng xuất phát từ chính cách ứng xử của người thầy. Thầy nghiêm túc và yêu thương trò thực sự thì chẳng có chuyện buồn đó đâu. Đáng lo là tình trạng “thầy không ra thầy, trò không ra trò” Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS.Đào Duy Hiệp (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Điều đáng buồn là trong thời gian qua có nhiều vụ va chạm, ẩu đả xảy ra giữa thầy và trò, có thể do nguyên nhân này, nguyên nhân khác. Nhưng tựu chung lại, cá nhân tôi cho rằng, đạo đức thầy – trò ở đâu đó, ở những lúc nào đó đang thực sự có vấn đề. Môi trường giáo dục của chúng ta thiếu nghiêm túc. Thầy đôi khi ứng xử thiếu kỹ năng, thậm chí thầy không ra thầy. Còn trò thì bị tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, thiếu sự giáo dục của gia đình. Trò không ra trò. Đó là cái gốc của nhiều vụ việc xảy ra trong môi trường sư phạm khiến chúng ta đau buồn… |
Đức Kế - Đức Anh/Đời sống và Pháp luật