Tin mới

Học thêm - “căn bệnh” không thuốc chữa?

Thứ sáu, 23/10/2015, 16:50 (GMT+7)

“Căn bệnh” học thêm sẽ còn nhức nhối khi hiện tượng giáo viên ép học sinh đi học thêm tại nhà vẫn đang tiếp tục diễn ra.  

“Căn bệnh” học thêm sẽ còn nhức nhối khi hiện tượng giáo viên ép học sinh đi học thêm tại nhà vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Muôn vàn chiêu trò ép học thêm

Sau những giờ học tập trên lớp đáng lẽ ra những buổi chiều tối và ngày cuối tuần là những giờ phút nghỉ ngơi thư giãn thế nhưng vào thời gian đó nhiều học sinh lại tiếp tục phải chạy đua đến nhà các thầy cô để “chiến đấu” với việc học thêm.

“Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” là câu nói đúng nhất dành cho T. học sinh Trường tiểu học Sông Lô (quận Phú Nhuận, TPHCM). Bởi vì, sau mỗi buổi học em phải chạy đôn chạy đáo đến các lớp học thêm của thầy cô. Để kịp giờ học mẹ của em đã phải mang theo cơm hộp để cho em ăn lót dạ vào buổi tối để có thể trụ được với lớp học thêm buổi tối. Đôi lúc nhìn cảnh con mệt mỏi vừa bê hộp cơm ăn vừa gật gù nhiều khi muốn cho con nghỉ học.

Thế nhưng với cái lý do “Nếu chỉ học ở lớp, cháu không theo kịp” của cô giáo thì chị lại phải bấm bụng cho con đi học.

Học sinh hối hả sau các lớp học thêm (Dân trí)

Tương tự, chị V.C (phụ huynh HS Trường THCS Bình An, Q.2, Tp. Hồ Chí Minh) bị giáo viên gọi điện nhắc nhở phải cho con đi học thêm. Mặc dù con mình học tập thuộc diện khá và cũng vừa mới bước vào năm học mới nhưng cứ cách vài hôm chị lại nhận được cuộc điện thoại của giáo viên yêu cầu chị phải đưa con đi học thêm.

 

Tuy nhiên, khi nhân thấy việc học thêm của con không đạt hiệu quả chị có ý định cho con nghỉ học thì thầy giáo tỏ ý không đồng ý. Chia sẻ trên Thanh niên chị V.C cho biết: “Khi thấy học thầy lâu nhưng không có hiệu quả, tôi ngỏ ý cho con nghỉ chuyển qua học thêm thầy khác nhưng thầy cản. Thầy nói học ai thì chỉ nên học một người không nên học thêm ở nhiều nơi”.

Không chỉ có vậy, nhiều giáo viên còn lấy việc học thêm để làm thước đo cho điểm số hay bằng việc gây khó dễ trên lớp để ép học sinh phải đi học thêm.

Theo nguồn tin từ Thanh niên, do quá chán với việc học thêm một em học sinh đã góp ý thẳng thắn với thầy giáo: “Em thấy học thầy rất chán nhưng nếu không đi học thêm thì thầy thường gây khó dễ trên lớp bằng cách gọi lên bảng hỏi cắc cớ những câu rất xa bài học. Vì sợ thầy ghét, cho điểm thấp nên em nói với ba mẹ cứ đóng tiền học thêm cho thầy nhưng em sẽ nghỉ. Chỉ khi nào sắp kiểm tra em mới tới lớp để biết trước đề…” .

Ngành giáo dục “bó tay” trước vấn nạn?

Biết rằng việc dạy thêm sẽ giúp cho học sinh củng cố thêm kiến thức nhưng giờ đây nhiều giáo viên đã lợi dụng việc làm này để tư lợi riêng cho mình.

Mặc dù đã có những quy định về việc dạy thêm học thêm nhưng việc ép học sinh đi học thêm tại nhà thầy cô vẫn đang diễn ra vì chưa có chế tài xử lý.

Chia sẻ trên báo Người đưa tin, GS. TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Bộ đưa ra quy định này không phải để ngăn cấm việc dạy thêm, học thêm mà chủ yếu nhằm hạn chế những tiêu cực xung quanh vấn đề này. Việc dạy phụ đạo để nâng cao, củng cố kiến thức cho học sinh do nhà trường tổ chức là một việc tốt, chẳng ai ngăn cấm. Tuy nhiên, nó phải diễn ra trong khuôn khổ, có sự quản lý của ban giám hiệu… Những hành vi trục lợi cho bản thân; dạy không hết kiến thức ở trên lớp, để dành lại cho dạy thêm ở nhà; phân biệt đối xử giữa đi học và không… sẽ được loại trừ tận gốc”.

Trên báo Tuổi trẻ, Bộ GD – ĐT thừa nhận việc có bộ phận giáo viên vì những lợi ích cả nhân mà bắt ép học sinh phải học thêm, đồng thời công tác quản lý của ngành đối với vấn đề này còn lỏng lẻo.

Theo đó, Bộ cũng đề ra những giải pháp cho vấn nạn này bằng cách đổi mới phương pháp dạy học; Việc kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh, đổi mới từng bước cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng: giảm dần yêu cầu học thuộc lòng, chú trọng vận dụng kiến thức tổng hợp bằng cách ra đề thi theo hướng tăng dần các yêu cầu vận dụng sáng tạo, ra đề “mở” gắn với các vấn đề thực tiễn, thời sự của đất nước để học sinh trình bày ý kiến cá nhân trên cơ sở tổng hợp, vận dụng kiến thức được học

Hi vọng rằng với việc triển khai đổi mới căn bản toàn diện trong giáo dục và những biện pháp được nêu ra sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Hạ Vân (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: học thêm dạy thêm