Đi học với bộ dạng lếch thếch, mặt mũi lem luốc, chiếc áo trắng vàng thếch, quần thì không có phéc-mơ-tuya, đầu tóc rối tung, cọng tóc khô cứng và bết lại. Trên đầu là chiếc mũ rộng vành sụp xuống đã ố đen càng tô đậm vẻ bẩn thỉu bần cùng... Đó là bộ dạng của cô học trò lớp 6, em tên Mỹ Thoại.
Bạn bè gọi em là “cóc ghẻ”, cái tên thể hiện sự nhạo báng cùng cực. Dạo này em đi học buổi đực buổi cái. Em đang bị bạn bè cô lập né tránh, không chỉ là lớp 6A mà dường như cả khối, cả trường. Là một giáo viên bộ môn, tôi nhận thấy những dấu hiệu bất thường và âm thầm theo dõi.
Tôi đến thăm nhà em. Nhà em nghèo, tôi đề cập tới chuyện em vệ sinh rất kém nên bạn cùng lớp không muốn lại gần. Ngoại em bảo: “Nhà không có giếng. Có con suối cũng khá xa nhà nên nó lười đi tắm!”. Tôi gặp riêng em và nói nhỏ: “Mình là con gái, sạch sẽ tinh tươm một chút vừa khỏe mạnh, vừa dễ hòa đồng. Tắm rửa và giặt giũ thơm tho, vệ sinh thân thể để giữ mình khỏe mạnh em nghen!”.
Có lần tôi tận mắt thấy em và ngoại đi xin ăn ở dưới chợ tỉnh. Thảo nào bạn bè không còn gọi em là “cóc ghẻ” nữa mà chuyển sang kêu là “con ăn mày”.
Ảnh minh họa
Em ngồi một bàn và cách hai dãy bàn nữa mới có bạn ngồi, cô giáo chủ nhiệm có ép thế nào các bạn cũng nhất quyết không ngồi gần, nếu “lệnh” phải ngồi thì các em sẽ khóc. Đi ngang qua chỗ Mỹ Thoại, các bạn lấy tay che mũi. Làm bài kiểm tra, nếu Thoại để bài trước lên bàn giáo viên, các bạn nộp sau sẽ lấy bài của mình bỏ sang bên cạnh. Mỹ Thoại như một cái gì kinh khủng cần phải né xa. Đến nỗi tin rằng cô giáo chỉ cần nói: “Nếu bạn nào làm việc riêng trong giờ học cô sẽ chuyển ngồi cạnh bạn đó!” thì đố em nào dám rục rịch nữa.
Đến trường, Thoại ngồi một mình vào bàn học, ra chơi lủi thủi ngồi vào một góc nào đấy ở sân trường...
Dạo đó tôi có xin nhà trường mở Câu lạc bộ Văn học. Mỗi tháng sẽ phát động một chủ đề để các em tham gia viết, những bài hay sẽ được đọc trước toàn trường vào đầu mỗi tháng, có trao giải và có cả lời nhận xét.
Câu lạc bộ đi vào quỹ đạo, các em rất hào hứng. Bạn nào được chọn bài hay đọc trước toàn trường thì đó là một vinh dự lớn, các bạn ồ lên khen ngợi. Sang tháng thứ ba, tôi đã chọn bài viết của Mỹ Thoại là một trong ba bài hay của tháng, mời em lên đọc bài của mình trước toàn trường (thật ra em có tham gia, em học trung bình khá, bài của em còn thua nhiều bài viết khác nhưng tôi đã âm thầm “chuốt” lại và cố tình cho em đoạt giải).
Được mời lên trình bày bài trước toàn trường, em vừa đứng dậy đã nghe tiếng cười khúc khích. Em bắt đầu đọc bài thì tiếng ồn ào như vỡ chợ phát ra. Tôi ra hiệu em ngừng đọc và cầm lấy mic, thật nghiêm nhìn xuống các em, im lặng không nói gì. Đến khi không còn một tiếng động nhỏ nào, tôi bất ngờ chỉ một em học sinh và hỏi: “Nếu người đang đứng đây và chuẩn bị đọc là em trong không khí như thế này thì em có thích đọc không?”. Em không trả lời. Cả trường im lặng...
Thế là tôi đưa mic cho em đọc bài viết của mình. Đọc xong, tôi đứng ra nhận xét, trao quà và kêu gọi một tràng pháo tay: “Bạn ấy thật giỏi đúng không nào các em, bài viết cảm động lắm. Một tràng pháo tay cho bạn mình nào!”.
Xong, tôi tiếp tục: “Các em ạ, chúng ta đã kết thúc thật tốt đẹp chủ đề viết của tháng trước. Trước khi phát động chủ đề tiếp theo, cô muốn các em nhớ điều này: tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình. Tháng này, các em hãy viết một trong hai chủ đề sau: “Em sẽ cảm thấy như thế nào khi người xung quanh không tôn trọng mình?” hoặc “Em có vui không khi em khiến người khác bối rối vì họ cảm thấy mình không được tôn trọng?”.
Là một giáo viên, còn gì vui hơn khi giúp em tự tin hơn, thật hạnh phúc khi thấy em đã hòa nhập với cộng đồng bạn bè... Và tôi vẫn muốn nói với học sinh của mình rằng: “Ăn mày không có nghĩa là xấu!”.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, xã Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên)
Nguồn: Tuổi trẻ