Trước thực trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều khi ra trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, để khắc phục tình trạng thừa nhân lực ngành sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm nằm trong tổng thể quy hoạch chung mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo.
Theo thông tin được Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay vừa được tổ chức tại Hà Nội thì tính đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên đối với cấp Tiểu học, 12.200 đối với cấp THCS và 16.900 đối với THPT).
Từ năm 2013 đến nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi năm phải giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. Tuy nhiên, sau hai năm, mỗi năm, cả nước vẫn có khoảng 4.000 sinh viên ra trường không có việc làm.
Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp. Ảnh: Internet |
Trước thực trạng trên, chia sẻ trên VTV, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, để khắc phục tình trạng thừa nhân lực ngành sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm nằm trong tổng thể quy hoạch chung mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo. Trong đó, chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm đảm bảo chất lượng và phù hợp nhu cầu đào tạo.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, trên Tiền Phong, ông Vũ cho biết, trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã chủ động có những biện pháp để hạn chế tăng quy mô đào tạo sư phạm.
"Đối với các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT quản lý: Thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên, từ năm học 2012-2013 tối thiểu 10%; ưu tiên cho đào tạo mới giáo viên mầm non; Tạm dừng xem xét hồ sơ mở ngành đào tạo sư phạm ở các trình độ ĐH, CĐ và dừng việc thực hiện đào tạo giáo viên hệ đào tạo từ xa; Tạm dừng việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung học cho các cử nhân ở các ngành đào tạo khác có nhu cầu trở thành giáo viên", ông Vũ thông tin.
Lê Vy (tổng hợp)