Tin mới

Huyền tích bí ẩn ở ngôi làng nằm trên "bụng trâu vàng"

Thứ hai, 30/03/2015, 15:48 (GMT+7)

Nhắc đến làng Đa Ngưu (Hưng Yên), nhiều người không chỉ ngỡ ngàng bởi vẻ cổ kính của ngôi đền 500 tuổi mà còn bởi những câu chuyện đậm màu sắc liêu trai về thế đất "nằm trên bụng trâu vàng".

Nhắc đến làng Đa Ngưu (Hưng Yên), nhiều người không chỉ ngỡ ngàng bởi vẻ cổ kính của ngôi đền 500 tuổi mà còn bởi những câu chuyện đậm màu sắc liêu trai về thế đất "nằm trên bụng trâu vàng".

Nhắc đến làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhiều người không chỉ ngỡ ngàng bởi vẻ cổ kính của ngôi đình 500 tuổi được xây dựng với kiến trúc đặc biệt của 100 cây cột, mà còn thấy bị hấp dẫn bởi những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai về vùng đất của ngôi làng này. Người làng tin rằng, chính nhờ địa thế đất "nằm trên bụng trâu vàng" mà bao đời nay, người dân Đa Ngưu có đời sống no đủ.

Địa thế đất xuất ngoại, giàu có?

Để tìm hiểu về cái tên Đa Ngưu và những huyền tích kỳ bí nơi đây, chúng tôi tìm cụ Nguyễn Văn Mô, một vị cao niên cũng là người trông coi đình làng Đa Ngưu. Theo lời cụ Mô kể lại, trong dân gian lưu truyền không ít câu chuyện lý giải về cái tên Đa Ngưu và lịch sử phát triển của làng. Chuyện thì kể rằng, xưa kia ở vùng phía Bắc có một con trâu lớn.

Khi trâu bị pháp sư yểm phép thuật vào trán thì lồng lên rồi phi chạy xuống phía Nam. Vết chân trâu chạy lớn tới mức tạo thành sông. Trong sử sách vẫn còn ghi tên sông Ngưu Giang chảy qua địa phận các huyện Văn Giang, Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên. Làng Đa Ngưu chính là vũng trâu đằm ngày xưa.

 

Cổng làng Đa Ngưu cao lớn, bề thế.

Cũng liên quan đến tên gọi Đa Ngưu, trong tập sách: “Truyện cổ dân gian Hưng Yên” lại có chuyện kể rằng, nhà vua có nuôi một con trâu có bộ lông vàng óng tại kinh thành Thăng Long. Không ít lâu sau, trâu mẹ đẻ ra một con trâu con cũng có bộ lông vàng óng rất đẹp. Để dễ nhận biết hai con trâu quý và đề phòng người lạ bắt mất trâu của mình, nhà vua cho buộc vào cổ nó một cái chuông vàng để đánh dấu. Hai mẹ con trâu quấn quýt không rời và là niềm tự hào rất lớn của nhà vua. Một lần nọ, nghé vàng ra sông tắm rồi đi lạc.

 

Không thấy con về, trâu mẹ cứ lần theo tiếng chuông vang xa để tìm con. Trâu mẹ chạy nhanh đến nỗi những bước chân của nó chạy đến đâu đất lún sụt xuống thành một dòng sông. Dân gian đặt tên là dòng Ngưu Giang. Khi gặp nhau, hai mẹ con trâu vàng mừng rỡ đằm mình xuống một vũng nước nô đùa, quẫy đạp thoả thích. Chỗ ấy sau thành một cái đầm. Dân gian gọi là đầm Đa Ngưu. Về sau, dân các nơi đến sinh cơ lập nghiệp bên dòng sông thành làng Kim Ngưu, Đa Ngưu còn đến bây giờ.

 

Cụ Nguyễn Văn Mỗ trò chuyện với PV.

Theo các vị cao niên trong làng Đa Ngưu kể lại, xưa kia trong làng còn có chợ Trâu bên đầm Đa Ngưu. Chợ Trâu phát triển rất sầm uất, buôn bán nở rộ giúp kinh tế của người dân trong làng phát triển rất mạnh. Chợ Trâu còn thu hút dân cư ở nhiều vùng khác đến giao thương buôn bán. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về địa thế của làng hiện giờ, cụ Mô cho rằng: Người thôn Đa Ngưu ngày nay quan niệm, vùng đất của làng nằm trên phần mình - bụng con trâu vàng.

Theo truyền ngôn của người xưa: “Đa Ngưu như ngưu ngọa, thất thập nhị tinh phong” (nghĩa là: “Làng Đa Ngưu có dáng trâu nằm, có 72 ông thần đất”). Cũng có lẽ vì thế mà dân làng làm ăn, buôn bán khắp nơi rất phát đạt, giống như cái bụng trâu lúc nào cũng căng tròn, no đủ. Đất của làng là đất xuất ngoại nên ai đi làm ăn nơi khác đều rất giàu có. Đặc biệt thời Pháp, người dân có nghề làm thuốc rất phát triển.

Dân làng đi khắp các vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định để làm nghề bốc thuốc. Song người dân trong làng dù đi khắp nơi buôn bán hay phát triển kinh tế tại làng thì đều ăn nên làm ra và đặc biệt là luôn đóng góp rất nhiều vào các công việc chung hay góp phần kiến thiết các di tích, đình chùa của làng. Đúng như lời cụ Mô kể, quả thực làng Đa Ngưu giàu có hơn rất nhiều vùng quê mà chúng tôi từng đến. Nhà cửa cao tầng san sát, hàng quán, chợ búa không kém phần sầm uất, chẳng khác nào một khu dân cư ven đô.

Ngôi đình 100 cột linh thiêng

Làng Đa Ngưu có dáng trâu nằm nên chính ở giữa làng, nơi có địa thế cao đẹp, người xưa đã chọn để dựng lên ngôi đình có 100 cột. Căn cứ vào dấu tích cũng như sắc phong của các triều đại (trong đó có sắc phong của vua Quang Trung) năm xưa để lại, đình Đa Ngưu được xây dựng từ rất sớm. Năm 1520, hai anh em ông Cống Cả, Cống Hai đã đứng lên tổ chức xây dựng đình. Năm 1706, đình được tôn tạo thêm và lại được trùng tu sửa chữa tiếp vào năm 1907. Đình thờ nhị vị đại vương là Quang Khải Đại Thần, Ông Dục Đại Vương và tam vị đức thánh hóa là Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.

 

Ngôi đình 100 cột với lối kiến trúc rất độc đáo.

Theo người xưa kể lại, cụ Chử Đồng Tử xưa kia giúp dân làng Đa Ngưu chữa khỏi rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Ngày ấy, dân làng Đa Ngưu bị dịch tả và bị lở loét khắp người. Cụ đi đến đâu có người bệnh là liền chữa cho dân làng khỏi bệnh, khỏe mạnh, da dẻ hồng hào trở lại. Để ghi nhớ công ơn, dân làng đã dựng đình thờ. Đình làng Đa Ngưu cũng chỉ là một trong số 72 ngôi đình thờ cụ ở trong vùng. Dù không là đình thờ chính, nhưng dân làng vẫn luôn tôn sùng và thành tâm thờ khấn.

Ở đình làng Đa Ngưu, các bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, khảm trai được treo ở các cột và trước ban thờ ca ngợi công đức của ba vị Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân công chúa. Đặc biệt, đến nay, đình Đa Ngưu còn giữ được 100 cây cột lim chạm trổ tinh xảo để tưởng nhớ truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ và sự tích bọc trăm trứng.

Trước và sau đình có hai giếng Ngọc trồng sen. Những ngày hè hương sen tỏa thơm ngát tạo nên khung cảnh thanh tịnh, đẹp đẽ vô cùng. Vào ngày hội làng hằng năm (10 đến 12/2 âm lịch), các vị bô lão thường làm lễ tắm rửa cho các ngai trong điện thờ ở hai giếng Ngọc. Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa và kiến trúc, đình Đa Ngưu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1995. Trải qua bao dâu bể của thời gian, ngôi đình Đa Ngưu vẫn đứng vững như muốn “thi gan cùng tuế nguyệt” và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây.

Không chỉ là một ngôi đình có kiến trúc đẹp, đình Đa Ngưu còn là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Phó Đức Chính, người làng Đa Ngưu, cũng là một trong những lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng đã đem tổ chức của mình về đây gây dựng cơ sở chuẩn bị chống Pháp. Năm 1929 – 1930, đình Đa Ngưu là nơi diễn ra các cuộc họp để nghe cán bộ Việt Minh tuyên truyền về Cách mạng Tháng Mười Nga...

Người dân làng Đa Ngưu cho rằng, vì nằm trên thế đất đặc biệt nên ngôi đình cũng rất linh thiêng. Người làng vẫn truyền nhau câu chuyện về gia đình ông T.. Ông T. vốn là một người có liên quan đến việc sớ tấu của đình. Tuy nhiên, vì ông T. làm việc không được chu toàn, thường xảy ra các thiếu sót trong công việc của đình nên đã bị quở trách.

Cuộc sống của gia đình ông T. gặp không ít chuyện không hay. Điều khiến người làng sợ hãi nhất là con trai ông T. có một sở thích rất kỳ lạ là “uống tiết tươi”. Dù mọi người đã khuyên ngăn nhưng anh này vẫn có sở thích kỳ dị với nhiều hành động rất lạ. Để “chữa” bệnh lạ cho con, ông T. đã phải mở đàn cúng, nhờ 3 thầy giỏi về cúng lễ suốt nhiều giờ liền. Chính vì lẽ đó, người dân làng Đa Ngưu không ai dám mạo phạm vào ngôi đình mà luôn thành tâm một lòng cầu khấn.

Chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng thôn Đa Ngưu cho biết: "Ngôi đình Đa Ngưu trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được nét rêu phong, cổ kính. Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa và kiến trúc, đình Đa Ngưu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1995.

Ngôi đình hàng năm nhân dân địa phương thờ cúng mang tính chất tâm linh về lịch sử. Những câu chuyện thần bí, ly kỳ liên quan đến ngôi đình là do có người quá tin vào lĩnh vực tâm linh, luôn nghĩ rằng thần phật linh ứng để trừng phạt những người mạo phạm. Theo tôi đó chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên, mọi người không nên tin vào những điều đó".

Phạm Hạnh – Mai Hằng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news