Người đàn ông bị gà mổ vào đầu gối, vết thương tự liền sau vài ngày. Nhưng sau 1 tuần nạn nhân bắt đầu có những biểu hiện co giật, cứng hàm, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 16/10, chia sẻ với PV về ca bệnh cực kỳ hy hữu, ThS.BS.Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bị gà mổ phải vào viện cấp cứu.
Bệnh nhân là ông N.V.M 48 tuổi ở Hải Dương. Ông M. bị gà mổ vào đầu gối, vết thương rất nhỏ nên tự liền sau vài ngày.
Bệnh nhân bị gà mổ đang phải hồi sức tích cực tại bệnh viện. |
Tuy nhiên, sau 1 tuần, ông M xuất hiện cứng hàm tăng dần. Vào bệnh viện tỉnh Hải Dương, ông M xuất hiện co cứng toàn thân, có nhiều cơn co giật, được chẩn đoán uốn ván. Ông M được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 28/9 trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân phải mở khí quản, thở máy và hổi sức tích cực.
Một bệnh nhân khác là ông L.V.N, 47 tuổi ở Bắc Ninh, vào chuồng chăm lợn, bị lợn nhảy lên đạp vào chân gây xước da nhỏ. Vết thương nhiễm trùng sưng nề, chảy mủ vài ngày rồi tự lành sẹo.
Sau 10 ngày xuất hiện cứng hàm, tiến triển tăng dần thành co cứng toàn thân, co giật. Ông N được đưa vào bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán uốn ván.
Ông N được đưa vào BV Nhiệt đới Trung ương ngày 2/10 trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân, phải mổ mở khí quản thở máy, dùng thuốc chống co giật liều cao.
Hiện 2 bệnh nhân này đang được theo dõi, điều trị tích cực tại bệnh viện.
BS Cấp cho biết: “Đây là ca bệnh cực kỳ hy hữu bởi đa số bệnh nhân uốn ván là do các vết thương do tai nạn, lao động hoặc dẫm phải đinh, cành cây củi mục chứ gà mổ hay lợn đạp bị uốn ván không có”.
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, thông thường những trường hợp bị dị vật như gai nhọn, mảnh thủy tinh, dằm, kim loại... đâm vào tay, chân, nhiều người thường chủ quan vì nghĩ đó là vết thương nhỏ, không nghiêm trọng. Tuy nhiên, những vết thương tưởng chừng như nhỏ bé đó lại có thể gây hại nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.
Thời kỳ ủ bệnh uốn ván khoảng 4 – 21 ngày. Tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Uốn ván có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm: Co thắt và co giật các cơ; Rối loạn nhịp tim, hôn mê, viêm phổi và các nhiễm trùng khác; Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao 25 – 90% . Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%.
Trang Vũ (tổng hợp)