Tin mới

Kẻ bán tinh trùng cho nữ tử tù tự thụ thai trong trại giam có phạm tội?

Thứ tư, 17/02/2016, 10:03 (GMT+7)

“Hành vi của Nguyễn Tuấn Hưng là lấy tinh trùng cho Huệ bơm vào buồng trứng với giá 50 triệu đồng. Hành vi này chính là hành vi mua bán tinh trùng – một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm…” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

“Hành vi của Nguyễn Tuấn Hưng là lấy tinh trùng cho Huệ bơm vào buồng trứng với giá 50 triệu đồng. Hành vi này chính là hành vi mua bán tinh trùng – một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm…” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Chuyện nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, ở H.Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) "mua" tinh trùng để mang thai nhằm thoát án tử đang khiến dư luận xôn xao.

Theo đó, Nguyễn Thị Huệ đã làm quen và nhờ phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng (27 tuổi, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội trộm cắp tài sản) giúp mang thai với giá 50 triệu đồng.

Tại thời điểm bị phát hiện, tử tù Nguyễn Thị Huệ đã mang thai khoảng 25 tuần tuổi và dự khám sẽ sinh con vào tháng 4/2016. Nữ phạm nhân này được cho là đã tự dùng bơm tiêm bơm tinh trùng vào âm đạo để có thể thụ thai.

Chân dung Nguyễn Thị Huệ - tử tù vừa có thai trong trại tạm giam - Ảnh: Lao động

Nhiều độc giả thắc mắc việc phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng có hành vi bán tinh trùng cho tử tù Nguyễn Thị Huệ có phạm tội không và sẽ bị xử lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Hành vi của Nguyễn Tuấn Hưng là lấy tinh trùng cho Huệ bơm vào buồng trứng với giá 50 triệu đồng. Hành vi này chính là hành vi mua bán tinh trùng – một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Hiến, cho, tặng tinh trùng được thực hiện vì mục đích nhân đạo chứ không nhằm mục đích kinh doanh và phải tuân thủ các điều kiện do pháp luật quy định”.

Luật sư dẫn Khoản 3, Điều 11 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Nghiêm cấm việc mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác”.

Khoản 2, khoản 3, Điều 4 - Luật này cũng quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác làphải vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại.

Người có hành vi mua bán mô, phôi, bộ phận cơ thể người sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cùng chung quan điểm, trao đổi với PV báo Người đưa tin, thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng – Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật cho biết: “Hành vi mua bán tinh trùng là vi phạm pháp luật và pháp luật nghiêm cấm mua bán tinh trùng dưới mọi hình thức.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác phải vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 07/2003/TT-BYT ngày 28/5/2003 của Bộ y tế hướng dẫn thi hành Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con bằng phương pháp khoa học thì pháp luật nghiêm cấm hành vi kinh doanh tinh trùng, noãn, phôi.

Việc mua bán tinh trùng mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Do đó, việc phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng có hành vi bán tinh trùng của mình cho nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định trên”.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news