Tin mới

Phòng tránh dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30/4

Thứ hai, 28/04/2014, 13:50 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Phòng tránh dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30/4 đang là vấn đề nan giải của nhiều gia đình, dưới đây là những khuyến cáo của Bộ y tế để giảm nguy cơ mắc dịch sởi các phụ huynh nên tham khảo.

(Tinmoi.vn) Phòng tránh dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30/4 đang là vấn đề nan giải của nhiều gia đình, dưới đây là những khuyến cáo của Bộ y tế để giảm nguy cơ mắc dịch sởi các phụ huynh nên tham khảo.

Để con không bị nhiễm sởi dịp nghỉ lễ
Làm gì để tránh mắc sởi trong dịp lễ?

 

Vỡ kế hoạch 5 ngày lễ hiếm hoi vì dịch sởi

Được nghỉ hẳn 5 ngày như đợt lễ 30/4, 1/5 không phải là một cơ hội dễ gặp, vì vậy từ rất lâu trước đó, nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho những chuyến du lịch xa. Nhưng khi đợt nghỉ đã đến sát bên sườn trong lúc dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người tỏ ra lo ngại và thậm chí không muốn ra khỏi nhà. Gia đình chị Hoa ở Tân Mai, Hà Nội và một ví dụ. Tuy rất tiếc số tiền bị mất vì hủy vé máy bay và chuyến đi biển Cửa Lò 4 ngày 3 đêm nhưng họ đành chấp nhận để bảo đảm an toàn cho đứa con 8 tháng tuổi.

"Đứa lớn đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi rồi nên không sợ, nhưng đứa nhỏ chưa tiêm", chị Hoa chia sẻ. "Tuy Nghệ An không phải điểm nóng của sởi nhưng tôi đọc báo thấy nói dịch bệnh này đã hiện diện ở 60 tỉnh thành, vả lại Cửa Lò là nơi du khách các nơi đổ về, dân Hà Nội đến đây rất nhiều, mà Hà Nội là ổ dịch sởi rồi".

Gia đình anh Linh ở Đống Đa, Hà Nội vốn cũng định đưa nhau đi chơi xa, nhưng hoãn lại vì: "Vợ tôi không nhớ hai đứa nhỏ đã tiêm sởi mũi 2 hay chưa vì thấy con đi học cấp 1 cả rồi nên chủ quan, sổ tiêm chủng vứt đâu không thấy nữa. Vừa rồi thấy nhiều trẻ lớn cũng bị sởi, chúng tôi lo lắm". Anh Linh cũng cho biết, không chỉ lo 2 đứa con nhiễm sởi, anh còn lo có khi hai vợ chồng nhiễm bệnh này trước rồi lây cho con, vì dịch sởi 2014 có rất nhiều bệnh nhân người lớn.

Cùng hoàn cảnh phải hủy kế hoạch nghỉ lễ là chị Phương Thu (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội). "Dịp nghỉ lễ này, hai mẹ con mình phải ở lại Hà Nội, chỉ có chồng về quê vì sợ đến những chỗ đông người như bến tàu, bến xe sợ con vướng phải dịch sởi, khổ lắm. Nhưng vẫn tiếc vì cả năm mới được ngày nghỉ lễ về với ông bà, giờ lại phải ở lại phòng trọ bé tý, chắc bức bối lắm", chị Phương nói.

Nhiều gia đình khác vì kinh tế khó khăn nên ngay từ đầu đã không định đi chơi xa trong dịp lễ này, mà chỉ đưa con đến các điểm vui chơi giải trí, các khu trung tâm thương mại ở Hà Nội cho đỡ tốn kém. Nhưng bây giờ thì dự định đó cũng đang được xem xét lại. "Toàn người và người, Hà Nội thì đang đầy người mắc sởi, đi chơi một bữa mà lây bệnh thì thà ở nhà xem ti vi còn hơn", anh Quyết, nhà ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, chép miệng. "Bọn trẻ nhà tôi om sòm phản đối, kêu ca mấy hôm nay rồi, tôi đành thỏa hiệp bằng cách tăng thời gian được phép chơi game cho chúng".

Kế hoạch nghỉ lễ của anh chị Hùng Ngân cũng bị dịch sởi phá hủy hoàn toàn nhưng ở một khía cạnh khác: Họ ngừng kế hoạch đi biển Cát Bà vốn đã vạch ra từ tháng trước không phải vì sợ nhiễm sởi, mà vì đứa con trai 5 tuổi của họ thực sự đã mắc sởi. Anh Hùng nói: "Con trai tôi đã phải nghỉ học ở lớp cả tháng nay vì sợ lây sởi của các bé khác nên vợ chồng tôi buộc phải hủy bỏ kế hoạch đi biển của mình. Dịch sởi đang lan rộng ra khắp các tỉnh miền Bắc nên phòng bệnh vẫn hơn."

Làm gì để tránh mắc sởi trong dịp lễ?

Nguy cơ dịch sởi bùng phát mạnh trở lại trong dịp lễ 30/4-1/5 là điều mà nhiều bác sĩ và nhà quản lý y tế đã lo ngại từ trước. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch sởi chiều 24/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, đợt nghỉ này dài, nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân tăng cao có thể khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, làm tăng số người mắc sởi.

Để giảm nguy cơ này, Bộ Y tế đã đưa ra một số khuyến cáo:

1. Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, khó thở, phát ban không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người.

2. Không nên đưa trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi đến những nơi tập trung đông người như khu vui chơi, giải trí để tránựh bị nhiễm sởi; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi, họng, mắt và thân thể cho trẻ, rửa tay với xà phòng khi chăm sóc trẻ, giữ nhà ở, nhà vệ sinh sạch sẽ.

3. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi theo ở những nơi có nguy cơ cao đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

4. Trong quá trình đi du lịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, phát ban, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan.

Hiện kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 26/4/2014 là 76,2 % tăng 2,18% so với ngày 25/4/2014.

47 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi đạt tỷ lệ cao trên 70% gồm: Quảng Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Lai Châu, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương, Yên Bái, Hà Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắc Nông, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Nam Định, Lào Cuy ai, Bắc Kạn, Hưng Yên, Đắc Lắc, Thanh Hóa, Hải Dương, Kiên Giang, Gia Lai, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Lâm Đồng.

Hoàng Anh 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news