Theo đó, ngữ liệu phần Đọc hiểu là văn bản tổng hợp từ nhiều nguồn nói về hiện tượng mạng đình đám Khá “Bảnh”. Từ phong cách ăn mặc, mái tóc bờm ngựa, động tác múa quạt... cho đến những hành động điên rồ như dàn hàng ngang trên cao tốc để chụp ảnh đăng Facebook.
Đề thi phân tích khá dài về hiện tượng Khá "Bảnh".
Thế nhưng, giới trẻ lại ngưỡng mộ Khá “Bảnh” và xem như thần tượng. Mới đây, Khá “Bảnh” bị công an thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) bắt vì tội đánh bạc.
Từ ngữ liệu phần Đọc hiểu, đề thi yêu cầu học sinh trả lời một số câu hỏi liên quan.
Cuối cùng, đề thi lấy câu nói của bộ trưởng Mai Tiến Dũng để nhắc nhở học sinh: "Vụ việc Khá Bảnh là rất nguy hiểm, cực kỳ không tốt trên mạng xã hội hiện nay, nếu diễn đi diễn lại, tầng lớp trẻ, các cháu mới lên tiếp xúc sẽ rất nguy hiểm".
Nhận xét về đề thi này, một thạc sĩ Ngữ văn trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM cho rằng, về hình thức, đề thi trình bày cẩu thả, quá dài (gần 1 trang A4), gây rối cho học sinh khi đọc văn bản.
Về nội dung, văn bản tổng hợp thiếu mạch lạc, lủng củng không đúng với văn phong báo chí. Việc đưa hiện tượng Khá “Bảnh” vào đề thi, hình như giáo viên đã quá đà trong việc chọn ngữ liệu và có thể gây ra tác dụng ngược với học sinh.
Một giáo viên giảng dạy Ngữ văn tại một trường chuyên ở TP.HCM cũng nêu quan điểm: Bình luận đề thi mở là tốt nhưng vẫn phải định hướng và có tính giáo dục, nhất là với sự việc như Khá “Bảnh”. Đề thi có thể đặt một hiện tượng tích cực bên cạnh một hiện tượng tiêu cực rồi yêu cầu học sinh lựa chọn giải pháp, nhưng phải có định hướng.
Trong khi đó, một phụ huynh có con đang học khối lớp 12 cảm thấy thực sự lo lắng khi những tư tưởng và lối sống lệch lạc này lại được đưa vào đề thi, nó vô tình củng cố tư tưởng vững chắc cho những em đang có lối sống lệch lạc vững tin vào con đường xấu mà các em đang ngưỡng mộ.
"Ra đề kiểm này là cổ vũ cho trẻ em, thanh niên phải thường xuyên xem phim Khá Bảnh, lúc đó mới làm được bài";"Không thể tin nhà trường có thể lấy tên giang hồ vào đề thi cho học sinh được", là một số nhận xét của độc giả.
Trước đó, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2018 - 2019 của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng đã có nhắc tới hiện tượng "Khá Bảnh" khiến dư luận đa phần không đồng tình.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa Khá “Bảnh” vào đề thi, vô hình chung, chúng ta đã cấp thêm một tầm vóc không đáng có cho những hiện tượng, cho những giá trị chưa đủ tầm.
Theo Giáo sư Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ, những nhân vật phản diện thì tốt nhât không nên đưa lên sân khấu. Làm vậy, chẳng khác gì đang tiếp tục "quảng cáo" cho nhân vật đó.
Muốn hay không muốn, thì sự nổi danh vẫn ở đấy. Đưa những hình tượng xấu sẽ chỉ làm các bạn học sinh thêm tò mò về nhân vật này, khiến những bạn chưa biết sẽ biết.
"Người ta ra đề đưa hình tượng xấu ra để phê phán, ngụ ý rằng những điều tốt cần phải nâng lên. Ý tưởng ra đề thi có thể tốt, nhưng về tâm lý thì chưa thấy được mặt trái. Vô hình trung, lầm tưởng rằng muốn khai thác chứ không phải phủ nhận vấn đề tiêu cực đó. Sư phạm là phải lấy mặt tốt đề đè mặt xấu, chứ không thể lấy mặt xấu để nâng mặt tốt", Giáo sư Bùi Hiền phân tích.