Mới đây, Trường THPT Mường Bú, tỉnh Sơn La đã đưa nhân vật Khá Bảnh vào trong đề thi môn Văn học kỳ II của khối 12. Đề thi đã dành một trang A4 để phân tích về những hình ảnh tiêu cực mà hiện tượng Khá Bảnh tạo ra thời gian qua.
Cụ thể, đề thi phân tích cụ thể về tiểu sử của Khá Bảnh cũng như quá trình trở nên "nổi tiếng" rồi đến khi bị bắt. Cuối cùng, đề thi lấy câu nói của bộ trưởng Mai Tiến Dũng để nhắc nhở học sinh: "Vụ việc Khá Bảnh là rất nguy hiểm, cực kỳ không tốt trên mạng xã hội hiện nay, nếu diễn đi diễn lại, tầng lớp trẻ, các cháu mới lên tiếp xúc sẽ rất nguy hiểm".
Đề thi phân tích khá dài về hiện tượng Khá Bảnh. Ảnh Trí thức trẻ
Trước đó, đề thi môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2018 - 2019 của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) có nhắc tới hiện tượng "Khá Bảnh".
Theo đó, đề thi có trích nội dung một bài báo và nêu về hiện tượng mạng "Khá Bảnh" với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái. Đề bài yêu cầu hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập đến trong bài viết.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Kiến Thức, Giáo sư Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: "Theo tôi, những nhân vật phản diện không bao giờ nên đưa lên sân khấu. Làm vậy, chẳng khác gì đang tiếp tục "quảng cáo" cho nhân vật đó.
Muốn hay không muốn, thì sự nổi danh vẫn ở đấy. Đưa những hình tượng xấu sẽ chỉ làm các bạn học sinh thêm tò mò về nhân vật này, khiến những bạn chưa biết sẽ biết.
Người ta ra đề đưa hình tượng xấu ra để phê phán, ngụ ý rằng những điều tốt cần phải nâng lên. Ý tưởng ra đề thi có thể tốt, nhưng về tâm lý thì chưa thấy được mặt trái. Vô hình trung, lầm tưởng rằng muốn khai thác chứ không phải phủ nhận vấn đề tiêu cực đó. Sư phạm là phải lấy mặt tốt đề đè mặt xấu, chứ không thể lấy mặt xấu để nâng mặt tốt".