Tin mới

Khiếu nại 10 năm, giải quyết 30 phút: Có hiện tượng "dập" đơn

Thứ hai, 02/03/2015, 07:43 (GMT+7)

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết, có hiện tượng "dập" đơn, cố tình chây ỳ không giải quyết, mặc dù bản chất vụ việc hết sức đơn giản.

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết, có hiện tượng "dập" đơn, cố tình chây ỳ không giải quyết, mặc dù bản chất vụ việc hết sức đơn giản.


 

Đúng, trúng nhưng giải quyết lại lừ đừ!?

-Tiến sỹ đánh giá như thế nào trước hiện tượng người dân tiến hành khiếu nại, khiếu kiện ngày một đông và có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện lâu dài không được xử lý?

-Tôi chia sẻ với tâm trạng của người dân, đặc biệt những người buộc phải tiến hành khiếu nại, khiếu kiện một cách lâu dài nhưng vẫn chưa có kết quả. Phải thừa nhận rằng, các đơn thư khiếu nại tố cáo hiện nay rất nhiều và công tác giải quyết chưa đáp ứng được với sự kỳ vọng. Phần đông các khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo của người dân là đúng. Người ta tổng hợp lại thì có tới 60% khiếu nại của người dân có cơ sở và có đến 20% đơn tố cáo là chính xác.

Khiếu nại 10 năm, giải quyết 30 phút: Có hiện tượng

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo: Chưa có cán bộ nào thiếu trách nhiệm trong giải quyết đơn thư bị xử lý!

-Theo tiến sỹ đâu là nguyên nhân chính để khiến tình trạng khiếu kiện khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân?

-Thực tế hiện nay, có trường hợp khiếu nại lần đầu và có trường hợp khiếu nại liên tục kéo dài nhiều lần. Qua thực tiễn làm ĐBQH, tôi nhận thấy rằng, nhiều cá nhân có đơn thư gửi khắp nơi, không xác định được địa chỉ cụ thể. Do đó, đơn thư nhiều khi không đúng địa chỉ, người có thẩm quyền thì mới xử lý đúng được. Tất nhiên, có trường hợp chuyển đúng địa chỉ, được giải quyết nhanh nhưng có trường hợp không đúng địa chỉ. Tâm lý người gửi đơn nóng ruột, gửi lung tung. Còn tâm lý người xử lý khiếu nại, thấy gửi lung tung người ta không thực sự quan tâm. 

Trong chuyện khiếu nại khiếu kiện, có hiện tượng nhiều cơ quan nhận được quá nhiều đơn thư nên làm không xuể. Cụ thể, đơn thư gửi lên Toà án Nhân dân Tối cao hiện nay có hàng trăm, hàng nghìn đơn. Do đó, muốn giải quyết nhanh không thể giải quyết được, nên điều này làm nảy sinh ra việc tồn đọng hàng nghìn trường hợp. 

-Mới đây ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM, có giải quyết đơn thư khiếu nại 10 năm nhưng chỉ trong vòng 30 phút. Từ vụ việc này có người cho rằng, việc giải quyết khiếu nại thực sự không khó nhưng liệu các cơ quan nhà nước có muốn làm hay không? 

-Thực tiễn khiếu nại có nhiều việc giải quyết rất khó. Chuyện nói ông Bí thư chỉ giải quyết vài chục phút đã xong thì chỉ có trong trường hợp đơn giản. Còn với những vụ việc đã gửi khiếu kiện lên cấp Trung ương thực tế đều rất phức tạp. Chúng ta đã từng muốn đưa ra một mốc nào đó để giải quyết những tồn đọng nhưng việc này cũng không đơn giản. Hầu như việc khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến nhà cửa, đất đai trong việc đền bù, giải toả, tái định cư. Nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện rất phức tạp, nó liên quan không đơn thuần chỉ một người dân với cơ quan chính quyền mà liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân khác. 

Hiện nay, theo quy định, Chủ tịch UBND tối thiểu tiếp dân một tháng một lần, việc tiếp dân chủ yếu lắng nghe, để chỉ đạo, xác minh, thẩm tra. Việc giải quyết khiếu nại tố cáo cần phải biết lắng nghe từ hai phía. Còn ĐBQH thì chỉ có quyền tiếp dân, chuyển đơn, không có thẩm quyền xử lý. Do đó, nhiều khi muốn nhanh cũng không được.

Nguyên tắc "cùng chìm" và hiện tượng domino công lý

- Vấn đề ở đây, vụ việc khó khăn kéo dài thì còn có lý do, nhưng những việc đơn giản mà kéo dài là điều vô lý. Có người cho rằng, hiện nay có tình trạng vô cảm trước lợi ích của nhân dân, ý kiến của tiến sỹ về vấn đề này? 

- Đúng là có trường hợp cơ quan tổ chức "im luôn" khi ĐBQH chuyển đơn. Nhiều vụ, nhìn là biết đúng - sai. Tuy nhiên, khi tìm hiểu vì sao không giải quyết, được biết, địa phương cố tình che giấu. Chính quyền địa phương cho rằng, nếu giải quyết một trường hợp sẽ nảy sinh hàng chục trường hợp khác, nên sợ phức tạp. 

Hơn nữa trong đất đai còn nhiều chuyện không công khai, minh bạch, ẩn khuất, như đền bù không thoả đáng, không rõ ràng. Có thực trạng, cán bộ đang đương nhiệm cố tình "né" nhằm để lại cho người kế nhiệm. Điều này càng khiến việc giải quyết thêm khó khăn. 

Một số địa phương lại cho rằng, giải quyết như vậy là đúng rồi. Còn người dân khởi kiện lên trên và được phúc đáp đơn thư, họ cho rằng, ở Trung ương đồng tình với họ nên tiếp tục khởi kiện, khiếu nại. Ngay quan điểm của các cơ quan liên quan về một vụ việc cũng bất cập, không thống nhất. 

- Như tiến sỹ phân tích, nguyên nhân của xử lý khiếu kiện kéo dài rất phức tạp. Nhưng các nguyên nhân trên đa số xuất phát từ phía chủ quan của cơ quan công quyền. Chúng ta đã có luật, vậy tại sao thực trạng trên vẫn xảy ra như chưa có luật?

- Trong luật quy định rất rõ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và có trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đến nay, thực tế người thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết đơn thư chưa bị xử lý. Hiện tượng vô cảm trước nhân dân nhiều nhưng hầu như chưa được xem xét xử lý. Thủ trưởng các cơ quan giải quyết sai, có nguyên nhân từ việc tham mưu sai. Tham mưu sai thì xử lý sai. Tham mưu giải quyết vụ việc sai, phải gắn trách nhiệm vào đó nhưng giờ thì không. Đây vẫn là bất cập, cần thiết phải sửa đổi. Vấn đề đưa luật vào thực tiễn vẫn còn chưa được như ý muốn. 

- Chân thành cảm ơn tiến sỹ! 

Trinh Phúc - Văn Chương- Vũ Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news