Bà Nguyệt Hường không chỉ được biết đến với tư cách là người từng có tên trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa XIV mà bà còn là một nữ đại gia khá kín tiếng, sở hữu khối tài sản khổng lồ.
Vừa qua có nhiều thông tin về việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu Quốc hội vì lý do quốc tịch, từ đó dư luận trong nước thêm phần tò mò về gia thế và số tài sản khủng mà bà đang sở hữu.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Ảnh: Infonet |
Theo thông tin từ Vietnamnet, Infonet cho biết, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, sinh ngày 9/4/1970 ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bà từng tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học IMPAC (Mỹ), cử nhân ngôn ngữ Đại học tổng hợp Lênin – Matxcova và là cử nhân Anh văn đại học ngoại ngữ Hà Nội.
Đến năm 37 tuổi, bà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc V.I.D Group – doanh nghiệp chuyên phát triển khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc Việt Nam. Vào thời kì năm 2006, V.I.D chỉ mới được thành lập với 6 thành viên.
Từ đó đến nay, doanh nghiệp đã phát triển vượt bậc với tổng số vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, cùng 12 công ty con hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng dịch vụ cũng như thực hiện nhiều dự án bất động sản. V.I.D chủ yếu tập trung hoạt động tại Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Nam Định.
Hiện tại, doanh nghiệp này là một trong những nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có quy mô và trở thành chủ đầu tư, quản lý 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc, bao gồm Quang Minh; Hà Nội – Đài Tư; Thạch Thất – Quốc Oai; Tân Trường; Phúc Điền; Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang; Cụm công nghiệp Lifan Hưng Yên và Đồng Văn II Hà Nam.
Chính vì sự phát triển lớn mạnh dưới sự điều hành củabà Nguyệt Hường mà giới kinh doanh từng ví von bà là “bà đỡ của các khu công nghiệp”.
Không dừng lại tại đó, V.I.D Group của bà Nguyệt Hường còn tham vọng mở rộng hoạt động hơn nữa, vì thế thời gian gần đây doanh nghiệp này đã chuyển hướng dần sang lĩnh vực bất động sản. Đầu tiên là việc VID góp tới 100% vốn vào CTCP bất động sản Hanovid và triển khai dự án tổ hợp Goldsilk Complex tại Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông, theo báo Đầu tư bất động sản.
Bên cạnh đó, bà Nguyệt Hường còn là Chủ tịch HĐQT tập đoàn TNG Holdings – đơn vị có cổ phần lớn tại CTCP đầu tư và phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam. Từ lâu, TNR Holding đã được biết đến là đơn vị quản lý dự án Goldmark City, dự án có quy mô 5.000 căn hộ cao cấp.
Ngoài ra, TNR còn tham gia quản lý dự án Goldsilk Complex, quận Hà Đông. Và mới nhất là dự án Gold View tại quận 4, TP.HCM. Công ty còn gây chú ý khi bắt tay cùng đối tác Nga xây dựng dự án tổ hợp bất động sản 6.500 tỷ đồng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Mặc dù chưa thể thống kê tất cả các dự án và khu đất mà doanh nghiệp bà Nguyệt Hường đứng tên hay góp cổ phần mua lại nhưng chỉ mới nhìn sơ qua những dấu ấn ban đầu của bà trên lĩnh vực bất động sản đã khiến nhiều người thán phục.
Đặc biệt, bà còn là Chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng Maritime Bank và là vợ của ông Trần Anh Tuấn – người hiện tại đang nắm giữ chức Chủ tịch Maritime Bank.
Trước đó, báo Dân trí và VOV đưa tin, vào chiều muộn ngày 17/7, 100% thành viên hội đồng bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Cá nhân bà Hường cũng có đơn xin rút không tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Hoài An (tổng hợp)