Nếu Trung Quốc đưa được giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam thì cũng làm được điều này với Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Lợi ích quốc gia đã đòi hỏi các nước liên quan phải lên tiếng.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEAN là coi thường ASEAN. Bắc Kinh tự tin rằng như một số lần trước đây, ASEAN khó mà có tiếng nói đồng thuận, rằng ngoại giao tiền bạc và tín dụng của Trung Quốc đã giúp bẻ gãy được “bó đũa” ASEAN. Ngoài ra, với việc thực hiện vụ gây hấn từ ngày 1-5 tại thềm lục địa Việt Nam, Bắc Kinh còn muốn khoét sâu mâu thuẫn và chia rẽ ASEAN, thể hiện qua hội nghị cấp cao lần này.
Bắc Kinh bị bất ngờ
Tuy nhiên, các nghị quyết và tuyên bố của ASEAN về biển Đông đã trái ngược với dự đoán và chờ đợi của Bắc Kinh. Đây là thất bại đầu tiên trong Chính sách ngoại giao láng giềng và “ngoại giao quyến rũ” của Bắc Kinh.
Dù lợi ích kinh tế và quan hệ của từng nước với Trung Quốc khác nhau nhưng ASEAN đã cùng cất tiếng nói đồng thuận, cứng rắn về vấn đề biển Đông Ảnh: ĐỨC TÁM |
Việc Trung Quốc tuyên bố vấn đề biển Đông không phải là chuyện của ASEAN đi trái ngược với những tuyên bố trước đây của họ là tôn trọng ASEAN, hợp tác với ASEAN. Mặt khác, sự thật thì, chính họ đã thỏa thuận Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) với ASEAN và đang thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với ASEAN. Họ bị bất ngờ song sự bất ngờ này xuất phát từ bản chất chính sách của họ. Nếu họ tôn trọng lẽ phải và pháp lý quốc tế, tôn trọng quan hệ hòa hảo với các nước láng giềng thì đã không đưa giàn khoan vào đặt tại EEZ của một nước thành viên ASEAN, lại huy động tới 80 tàu trên biển và hàng chục máy bay quần thảo trên không để áp đảo mấy chục tàu thuyền dân sự Việt Nam làm nhiệm vụ tại vùng họ hạ đặt giàn khoan HD-981.
Trung Quốc cậy lớn hiếp bé, lại vi phạm điều sơ đẳng của luật pháp quốc tế về EEZ nên lương tri và chân lý thế giới đã lên tiếng. chứ tuyệt không có nước ASEAN nào chống lại Trung Quốc, thậm chí đều coi trọng quan hệ với Trung Quốc trước tiên và trên hết. Việt Nam luôn xem trọng hai chữ “hòa hiếu” trong quan hệ với Trung Quốc nhưng nếu Bắc Kinh đưa được giàn khoan vào EEZ của Việt Nam thì cũng làm được điều này với EEZ của Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Lợi ích quốc gia đã đòi hỏi các nước liên quan phải lên tiếng. Và ASEAN đã lên tiếng phù hợp với lợi ích khu vực.
Như Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu rõ: “Đây là lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ (kể từ năm 1995), ASEAN ra Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông”.
Năm 1995 là thời điểm Trung Quốc đánh chiếm bãi Vành Khăn do Philippines kiểm soát. Bây giờ là đến xâm chiếm vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Hai sự kiện đều rất nghiêm trọng.
Bóc mẽ bẫy song phương của Trung Quốc
Còn DOC và COC? Trung Quốc đang câu giờ mà thôi! Họ đã không tuân thủ DOC. Họ cũng không thiết tha gì với COC. Nhưng ASEAN là đối tác quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Nếu ASEAN đồng lòng, nhất trí thì Trung Quốc sẽ phải hợp tác. Điều này đã từng xảy ra vào năm 2002, khi DOC được ký kết. Lúc đó, Trung Quốc cần khai thông quan hệ với ASEAN về hợp tác chiến lược và thúc đẩy tự do thương mại.
Lần này kết quả thế nào, dư luận đang chờ đợi hành động của phía Trung Quốc.
Sau tuyên bố của Hội nghị ASEAN, Trung Quốc lại nêu luận điệu cũ của họ, rằng tranh chấp biển Đông là vấn đề song phương của họ với một số nước riêng lẻ trong ASEAN, chứ không phải cả ASEAN. Đây là cái bẫy họ giăng ra. Nếu chỉ song phương mà bỏ qua đa phương thì rơi vào bẫy này. Hòa bình, hợp tác biển Đông vừa là chuyện song phương vừa là chuyện đa phương. Cái nào song phương thì đàm phán song phương, cái nào đa phương thì đàm phán đa phương.
ASEAN thống nhất trong đa dạng. Phải chăng đó là hiện thực của thế giới! Có lúc, có vấn đề có sự khác biệt quan điểm. Sự khác biệt này do vị trí địa - chiến lược của mỗi quốc gia quyết định. Nhưng ASEAN cũng có những lợi ích chung của các quốc gia nhỏ và vừa ở Đông Nam Á, cần đoàn kết và phối hợp trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của cả khối và từng quốc gia. Trong một thế giới đa cường, ASEAN muốn có tiếng nói thì phải đoàn kết.
ASEAN và Trung Quốc vừa là láng giềng gần gũi vừa là những đối tác quan trọng của nhau trong khi Trung Quốc là nước lớn, không phải lợi ích nào của Trung Quốc cũng đồng thuận với của ASEAN. Lại có những mâu thuẫn lợi ích song điều này cũng là lẽ tự nhiên trong quan hệ quốc tế xưa và nay. Các bên cần hợp tác trên cơ sở những điểm đồng thuận lợi ích, điều hòa lợi ích.
Cao tay thì chiếm ưu thế Trung Quốc liệu có bẻ được “bó đũa” ASEAN? Đây là quan hệ tùy thuộc, cùng có lợi và lợi dụng lẫn nhau. Mỗi quốc gia phải từ vị trí địa - chiến lược của mình mà tối đa hóa lợi ích quốc gia. Trong lợi ích quốc gia có cả lợi ích hợp tác quốc tế trong mối quan hệ tùy thuộc, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Và trong cuộc cờ quốc tế của thế giới mạng, đa trung tâm như ngày nay, ai giáo điều thì người ấy thua thiệt. Ai chơi cờ cao tay hơn thì người ấy chiếm thế thượng phong. Nếu thua thiệt, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là vậy. Về chuyện này, một nhà chính trị, ngoại giao nước Anh cuối thế kỷ XIX đã đúc kết: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích (quốc gia) là vĩnh viễn”. |
TS Nguyễn Ngọc Trường (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế)