Tin mới

Kiểm tra trường hợp nữ sinh 30,5 điểm gửi đơn cầu cứu Chủ tịch nước

Thứ ba, 16/08/2016, 16:31 (GMT+7)

Mặc dù đạt 30,5 điểm nhưng vì án tích của người cha từ thế kỉ trước, khi Quỳnh chưa chào đời nên em có nguy cơ trượt trường Học viện An ninh Nhân dân, khiến rất nhiều người cảm thấy tiếc nuối.

Mặc dù đạt 30,5 điểm nhưng có nguy cơ trượt trường Học viện An ninh Nhân dân vì án tích của người cha từ thế kỉ trước nên Quỳnh đã viết đơn cầu cứu Chủ tịch nước.

Đơn cầu xét của em Quỳnh gửi Chủ tịch nước và Bộ Công an

Ngày 16/8, trao đổi với Zing News, TS Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng Cục đào tạo, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã nhận được thông tin và có văn bản yêu cầu Công an tỉnh Lạng Sơn trả lời về trường hợp thí sinh Nguyễn Như Quỳnh.

Đạt số điểm cực hiếm 30,5 (môn Văn 9,0; môn Sử 8,5; môn địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên) nhưng thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (trú tại xã Minh Khai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) vẫn không thể nhập học tại trường Học viện An ninh Nhân dân.

Tuy nhiên, Quỳnh vẫn không đủ điều kiện tham dự xét tuyển vào trường công an do án tích của bố là ông Nguyễn Văn Thuận. Ông Thuận từng mua một khẩu súng C.K.C. Năm 1994, ông bị tạm giữ điều tra và sau đó bị kết án 12 tháng tù treo.

Không được xét tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân, Như Quỳnh viết đơn cầu xét gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an với nội dung như sau:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN CẦU XÉT

 Kính gửi: Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Cháu tên là: Nguyễn Như Quỳnh                                        sinh năm 1997

Hộ khẩu thường trú tại thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Kính thưa bác Chủ tịch nước, thưa bác Bộ trưởng,

Năm 2016, cháu đăng ký tham dự kì thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào trường Công an nhân dân. Đây là ước mơ lớn nhất của cuộc đời cháu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cháu đã rất cố gắng, nỗ lực phấn đấu học tập để thực hiện mong ước.

Kết quả, kỳ thi vừa qua, cháu đạt tổng điểm 3 môn là 27 điểm, môn Văn 9,0; môn Sử 8,5; môn địa lý 9,5. Cộng điểm ưu tiên và điểm vùng là 30,5 điểm.

Gia đình cháu rất đỗi vui mừng khi biết điểm, nhưng lại rơi vào tuyệt vọng khi nhận được thông báo từ Công an tỉnh Lạng Sơn là cháu không đủ tiêu chuẩn chính trị để vào ngành. Nguyên do là án tích của bố khi cháu chưa ra đời từ thế kỷ trước.

Đó là, năm 1993, bố cháu mới 25 tuổi, chưa lập gia đình và đang sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Một hôm, có một người mang đến khẩu súng C.K.C gạ bán cho bố cháu.

Vì tuổi còn trẻ, nhận thức pháp luật hạn chế nên bố cháu đã mua súng về với mục đích trông vườn cây ăn quả mà không biết mình đang tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép.

Trong suốt thời gian mua về, khẩu súng không được sử dụng. Năm 1994, bố cháu bị tạm giữ để điều tra vì công an phát hiện ra khẩu súng đó là do người đàn ông kia ăn cắp của quân đội.

Sau đó, Tòa án Bộ tư lệnh quân khu I xử bố cháu 12 tháng án treo. Năm 1995, bố cháu đã được xóa án tích. Sau đó, ông mới lập gia đình và sinh ra cháu.

Suốt quãng thời gian từ đó đến nay, bố cháu luôn làm ăn chăm chỉ và chấp hành đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương nơi cư trú. Trong mắt chúng cháu và mẹ, bố là người đàn ông lương thiện và tốt bụng vô cùng.

Sau khi biết tin cháu không đủ điều kiện vào các trường an ninh, mỗi khi nhìn đến tờ Giấy chứng nhận kết quả thi là cháu lại rớt nước mắt, không biết cách nào để biến giấc mơ lớn nhất của cuộc đời cháu thành hiện thực.

Nhưng cháu vẫn hy vọng, vì cháu được biết năm 2015, vẫn có những trường hợp như anh Nguyễn Đức Ngà (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An), kết quả thi được 29 điểm, bố từng có án tíchchị Bùi Kiều Nhi (xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), đạt 29 điểm, cũng có bố từng bị án treo đã được bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ngày đó còn là Bộ trưởng Bộ Công an xem xét giải quyết để được nhập học.

Vậy cháu viết đơn này tha thiết gửi tới bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bác Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tạo điều kiện cho cháu được vào học trường Học viện An ninh nhân dân theo nguyện vọng đã đăng ký.

Lạng Sơn, ngày 12 tháng năm 2016

Người viết

Nguyễn Như Quỳnh

Khi biết tin buồn về trường hợp của con, ông Nguyễn Văn Thuận - cha thí sinh Quỳnh thắt lòng chia sẻ: "Con buồn một, thì tôi buồn mười". Chỉ một thời gian ngắn mà ông như già đi chục tuổi. Giờ đây, ông luôn không thôi tự trách, chỉ vì phút giây nông nổi, thiếu hiểu biết của tuổi trẻ mà khiến con ông phải đeo "gông" suốt đời, dù án tích đó đã được xoá bỏ từ thế kỉ trước, trước cả lúc con ông chào đời.

Trong lúc tuyệt vọng, không biết làm gì hơn, ông Nguyễn Văn Thuận cũng đã viết bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm với niềm mong mỏi con gái mình được xem xét vào trường Học viện An ninh nhân dân như mơ ước.

Bức tâm thư đầy nước mắt của người cha thí sinh Quỳnh.

Cũng trong kỳ thi thi năm nay, nữ sinh Trần Hương Ly (SN 1997, nguyên học sinh lớp 12A8, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cũng viết đơn gửi đến lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Giám đốc Học viện cảnh sát nhân dân, Giám đốc công an tỉnh Nghệ An mong được xem xét vì không được xét tuyển.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Ly đăng ký dự thi chuyên ngành Luật,  Học viện Cảnh sát Nhân dân khối D. Kết quả kỳ thi của Ly với các môn: Toán 9,0; Tiếng Anh 9,05; Ngữ Văn 7,5; khu vực ưu tiên 0.5. Tổng điểm 26,05 điểm. Được biết, với số điểm này, Ly trở thành nữ sinh khối D có điểm số cao nhất cụm thi Nghệ An.

Tuy nhiên, nữ sinh không đủ điều kiện xét tuyển vào trường công an vì mẹ là Hoàng Thị Ngân từng bị xử án tù treo vì vi phạm pháp luật về tội: “Sản xuất hàng giả là thực phẩm”.

Mặc dù mẹ nữ sinh Ly đã được xóa án tích rồi, nhưng theo quy định thì Ly vẫn không đủ điều kiện để tham gia vào lực lượng công an.

Trả lời trên Tiền phong, Đại tá Hồ Văn Từ cho biết: "Như các năm trước là nhận hồ sơ trước rồi mới thẩm tra lý lịch sau, cho nên một số trường hợp không có thời gian nộp hồ sơ đi trường khác xét tuyển nữa, cho nên buộc Bộ phải có một số chiếu cố cho các trường hợp đó. Rút kinh nghiệm nên năm nay Bộ Công an phải kiểm tra, xác minh hồ sơ trước khi nhận".

Kể từ mùa thi năm ngoái nhiều thí sinh giống như trường hợp của em Nguyễn Như Quỳnh cũng đã gửi tâm thư lên Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an, hành động này mặc dù nhận được nhiều ý kiến đồng tình của dư luận, họ mong rằng nếu có thể hãy cho các em một cơ hội.

Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng không nên để những bức "tâm thư" phá vỡ quy định của pháp luật.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news