Vì lợi nhuận, không ít cơ sở karaoke trá hình tại TP.HCM hoạt động núp bóng nhà hàng, phòng thu âm với các dịch vụ "đào", chân dài phục vụ thượng khách.
Hoạt động karaoke tại TP.HCM đang có nhiều phát sinh, biến tướng... khiến những người công tác quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Dù không có cấp phép mới, nhưng nhiều cơ sở karaoke chui, trá hình vẫn mọc lên như nấm. Đi kèm với đó là các hệ lụy xã hội khó kiểm soát. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cái nhìn toàn cảnh về hoạt động karaoke trá hình trên địa bàn...
Không khó để có thể tìm được các cơ sở karaoke hoạt động chui, trá hình. Vì lợi nhuận, các cơ sở này núp bóng dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Đa phần là trong các nhà hàng, phòng thu âm trên nền nhạc karaoke... Điều đáng nói, đi kèm với hoạt động kinh doanh karaoke chui, các chủ cơ sở này còn bày ra các dịch vụ “đào”, chân dài phục vụ thượng khách.
Nhiều cơ sở treo bảng là quán ăn, phòng thu âm trên nền nhạc karaoke... nhưng thực chất là kinh doanh karaoke trá hình.
Theo chân một dân chơi chuyên nghiệp
Từ trước kỳ nghỉ dịp Tết Nguyên đán 2015, là thời điểm các dịch vụ karaoke liên tục “mọc” lên, phục vụ cho nhu cầu vui chơi của người dân. Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP.HCM, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP đã nhận và giải quyết cấp phép cho 528 cơ sở karaoke.
Trong đó, đã rút giấy phép 67 cơ sở, một số cơ sở đang tạm ngưng hoạt động để di dời địa điểm. Và con số thực tế đang hoạt động theo số liệu của phòng Nghệ thuật là 427 cơ sở. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế con số này lớn hơn. Bởi, ngoài những con số nói trên, hiện còn rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke chui, trá hình núp dưới vỏ bọc các nhà hàng, phòng thu âm trên nền nhạc karaoke...
Không khó để có thể tìm ra được các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke chui. Điển hình nhất là các quán nhậu, nhà hàng đang phục vụ loại hình này một cách lén lút. Một ngày đầu năm 2015, chúng tôi theo chân anh N.T.C., đang là một doanh nhân tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) vào mục kích các điểm này. Anh C. cho biết, sở dĩ anh biết các điểm “vui chơi” này là do những người bạn mách lại.
Chúng tôi bước vào nhà hàng Y.N. trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh). Các “thổ địa” cho biết, cứ tìm đến những chỗ nào có bảng hiệu ghi “nhà hàng” thì mò vào, thế nào cũng có em út phục vụ và hát hò thoải mái.
Đặc điểm của những “nhà hàng” này chính là ban ngày thì đóng cửa im ỉm từ sáng đến đầu giờ chiều. Thế nhưng, đến khoảng 3 – 4h chiều là cửa mở toang. Nhìn bề ngoài có vẻ rất trầm lắng song bên trong lại sôi động vô cùng. Đồng thời, dù là “nhà hàng” nhưng chỉ có một bảo vệ ngồi canh cửa và thường là một nam nhân viên hướng dẫn khách mà thôi. Khi khách vào thì được dẫn lên lầu, đa phần các phòng được bố trí trên cao nên rất khó phát hiện.
Như đã có sự chuẩn bị trước cho khách hàng mới, “chân ướt, chân ráo” như chúng tôi nên khi hỏi còn phòng không thì bảo vệ gật đầu lia lịa: Còn, còn. Nhưng khi bà quản lý bước ra, thấy hai gương mặt “mới toanh” nên lắc đầu: “Hết phòng rồi anh ơi”. Có kinh nghiệm, vì được người trước dặn, cứ thấy chỗ nào treo bảng nhà hàng thì bước vào, anh C. dắt chúng tôi đi tiếp đến một quán khác, nằm gần khúc Nguyễn Văn Đậu và Lê Quang Định.
Tại đây, chúng tôi bước thẳng vào trong và được nhân viên đưa đón tận tình. Khi hỏi ở đây có karaoke không, nam nhân viên hồ hởi bảo: Có anh à. Thế là họ đưa chúng tôi lên một căn phòng nhỏ nằm trên lầu ba.
Gọi bia, mồi xong, chúng tôi yêu cầu hát karaoke. Tuy nhiên, trong phòng lúc này chỉ có mỗi màn hình tivi mà không có bất cứ một thiết bị nào khác. Chúng tôi hỏi làm sao hát, nhân viên phục vụ trả lời, tí có nhân viên kỹ thuật lên “thiết kế” cho các anh. Sau một lúc, có một nam nhân viên cầm chìa khóa mở tủ (kiểu tủ đặt âm tường) trong phòng lôi âm ly, micro ra đấu nối cho khách hát. Chúng tôi hỏi tại sao lại để trong đó, nhân viên trả lời qua chuyện, để khỏi vướng và chật chỗ.
Bên cạnh đó, thông thường khách vào các “nhà hàng phức hợp” kiểu này cũng thường có “mấy em ngồi rót bia” cho. Khi chúng tôi vào, quản lý nhà hàng điều 10 cô lên đứng dàn hàng ngang để khách chọn ngồi cùng. Anh C. cho biết, một chiêu mà các em này thường dùng là chỉ rót một nửa lon bia rồi quăng xuống thùng (bố trí sẵn). Hoặc là dưới gầm bàn thường có các xô nước đá, các chị em cứ tha hồ đổ bia xuống đó. Thế nên không có gì ngạc nhiên, khi vài người có thể uống hết... hai, ba két bia. Đến khi tính tiền thì méo mặt.
Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng triệt phá nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke chui, trá hình. Điển hình như, đoàn kiểm tra liên ngành đột kích vào kiểm tra Công ty TNHH TM DV Tiến Kim Tiến (20 đường Bùi Đình Túy, phường 26, quận Bình Thạnh), do ông Nguyễn Văn Tân làm quản lý.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện 13 lỗi vi phạm và tiến hành xử phạt hành chính của cơ sở như: Kinh doanh karaoke không có giấy phép, dùng các phương thức phục vụ mang tính chất khiêu dâm, không cung cấp cho đoàn kiểm tra các tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra...
Hay như gần đây nhất, đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 3 đã tiến hành kiểm tra đối với quán karaoke Tip Top (số 9 Trương Định, phường 6). Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 22 viên nén nghi là thuốc lắc. Cơ quan công an đưa gần 60 người liên quan về trụ sở Công an quận 3 để làm việc.
Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy, có 9 người dương tính với chất ma túy. Cơ quan công an đã thu giữ nhiều vật chứng liên quan khác, trong đó có giấy phép hoạt động karaoke (bản photo) nhưng giấy phép này đã hết hạn từ năm 2013.
Điểm mặt những phố karaoke chui
Hiện nay, trên địa bàn TP có thể dễ dàng tìm được các địa điểm kinh doanh karaoke chui. Theo ghi nhận của chúng tôi thì karaoke chui cũng hoạt động theo từng cụm, từng tuyến đường rất dễ tìm thấy. Ngoài con đường Nguyễn Văn Đậu, đoạn từ Hoàng Hoa Thám tới Phan Đăng Lưu dù khá ngắn, nhưng cũng có gần cả chục “nhà hàng” hoạt động, có kèm theo dịch vụ karaoke. Điển hình như Đ.H., Y.N., D.L., T.H.... Người đi đường chỉ cần chú ý chút là có thể thấy ngay.
Tương tự, còn có những con phố khác như Ngô Văn Năm (quận 1). Đây cũng là một con đường nhỏ, ngắn, chừng 500m nhưng lại tập trung rất nhiều nhà hàng, quán ăn có tiếng của TP. Một đặc điểm của con phố Nguyễn Văn Năm là chủ yếu phục vụ khách Tây.
Ông Lê Nam, một người biết rõ về khu này cho biết, tại đây, khi vào các nhà hàng thì cái gì cũng có. Nghĩa là ngoài các món nhậu thì karaoke, “đào đẹp”... có đủ. Rồi một điểm nóng được dân chơi biết nhiều trong thời gian qua chính là khu Tên Lửa, đường Vành Đai trong (quận Bình Tân). Rồi đường Lê Hồng Phong (quận 5), làng đại học (quận Thủ Đức)...
Bên cạnh những biến tướng kể trên thì hiện nay, một vỏ bọc được các cơ sở núp bóng để kinh doanh hoạt động karaoke chính là các phòng thu âm. “Vin” vào dòng chữ “thu âm trên nền nhạc karaoke”, các cơ sở này thực chất là kinh doanh karaoke.
Theo thống kê chưa đầy đủ, thực tế hiện nay, trên địa bàn TP, có hàng trăm điểm thu âm, trong đó, đa phần là kinh doanh karaoke. Vì để đầu tư các phòng thu âm chuyên nghiệp thì không hề đơn giản. Theo tìm hiểu của PV, rất dễ dàng có thể tìm được các phòng thu âm... để hát karaoke thoải mái.
Tại phòng thu âm karaoke GD ALO ở Đông Hồ, phường 4 (quận 8) quảng cáo: Bài hát luôn được cập nhật, đặc biệt có thu âm miễn phí, giá cả bình dân phù hợp với gia đình. ALO có 10 phòng, trong đó có hai phòng VIP với sức chứa 30 người, còn lại là phòng 10 người. Hiện nay, ALO đang có chương trình khuyến mãi giảm giá 20%. Hay như phòng thu âm trên nền nhạc karaoke Kỳ Anh (quận Bình Thạnh) cũng có các loại phòng nhỏ (từ 5 đến 10 người) và phòng lớn (trên 40 người) với giá phòng hấp dẫn ưu đãi.
“Đến với karaoke Kỳ Anh quý khách có thể ca hát thỏa thích và thu lại những lời ca tiếng hát của mình đem về làm kỷ niệm tặng cho người thân, bạn bè”. Rồi phòng thu âm Hoàng Yến ở quận 11 cũng quảng cáo “bên cạnh các phòng thu âm còn có nhiều phòng karaoke sạch sẽ, không gian thoáng đãng, phù hợp với giới trẻ. Được trang bị hệ thống dàn âm thanh và ánh sáng hiện đại, list nhạc phong phú được cập nhật thường xuyên”. Hay như phòng thu Mimosa ở đường Phạm Hùng, ấp 4, xã Bình Hưng, (huyện Bình Chánh) cũng kinh doanh karaoke...
Những vỏ bọc để lách luật Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc sở VH-TT&DL TP.HCM cho biết, qua đợt tổng kiểm tra cuối năm 2011 toàn TP có 187 cơ sở hoạt động karaoke không phép. Bên cạnh đó còn có 312 cơ sở có chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động thu âm nhưng trên thực tế chỉ có 193 cơ sở hoạt động thu âm trên nền nhạc karaoke. Trong đó, chỉ có khoảng từ 10 đến 15 cơ sở là hoạt động kinh Doanh thu âm đúng nghĩa, có trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện theo yêu cầu của phòng thu chuyên nghiệp. Còn lại là kinh doanh trá hình karaoke. |
Theo Đời sống & Pháp luật