Sau khi phương án thi đại học 2015 được công bố, hàng chục câu hỏi từ các phóng viên tham dự họp báo “dội” xuống lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Những chứng chỉ nào được miễn thi Ngoại ngữ?
-Bộ có đề cập tới việc miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cho thí sinh đã có chứng chỉ. Vậy chứng chỉ ngoại ngữ nào được miễn thi? Có tính điểm chứng chỉ ngoại ngữ cho việc xét tuyển vào đại học?
Việc mua chứng chỉ hiện nay rất đơn giản, có chỗ chỉ cần 300.000 đ là có được một chứng chỉ ngoại ngữ. Vậy Bộ có những quy định gì về các chứng chỉ được miễn thi?
- Ông Trần Văn Nghĩa, Cục Khảo thí: Bộ sẽ có quy định cụ thể chứng chỉ nào được miễn thi, định mức bao nhiêu. Về cơ bản đó là những chứng chỉ quốc tế. Các chứng chỉ khác sẽ cân nhắc để tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "mua" chứng chỉ ngoại ngữ để xét tốt nghiệp..Loại chứng chỉ 200-300.000 không được đâu.
Năm nay chỉ xử lý chứng chỉ ngoại ngữ ở xét tốt nghiệp. Nhưng, dần dần chứng chỉ sẽ thay việc thi trong kỳ thi tốt nghiệp và cả tuyển sinh ĐH-CĐ.
Đề thi có chia phần tốt nghiệp và phần tuyển sinh đại học?
-Đề thi sẽ được thiết kế như thế nào? Có quy định phần tốt nghiệp và phần tuyển sinh đại học không?
- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi sẽ không tách riêng phần để xét tốt nghiệp hay tuyển sinh. Cũng không tách riêng phòng thí sinh nào thi tốt nghiệp, thí sinh nào thi cả đại học. Nhưng có sự phân hóa trong đề thi. Và điểm để xét tuyển đại học sẽ cao hơn điểm xét tốt nghiệp.
Phương án thi đại học 2015 đã được chốt nhưng dư luận còn nhiều băn khoăn và các bước tổ chức, xét tuyển. Ảnh minh hoạ
Ông Trần Văn Nghĩa: Đề thi sẽ khá giống đề tuyển sinh đại học năm 2014, bởi vì cấu trúc đề thi đó đã đảm bảo 4 yêu cầu. Nhưng có làm đậm các yêu cầu đó lên. Chủ trương vẫn ra đề mở, áp dụng kiến thức liên môn.
Quy định thời gian các môn thi cũng giống kỳ thi đại học 2014.
Quan điểm của Bộ là những gì đã làm tốt thì tiếp tục giữ. Và tiếp tục điều chỉnh đề thi để tiếp cận chương trình, sách giáo khoa mới. Nhưng về cơ bản vẫn ổn định để thí sinh không gặp khó khăn nhiều khi dự thi năm nay.
Đề thi giới hạn chương trình ở những lớp nào?
-Cơ cấu tỷ lệ đề thi phân chia thế nào? Bao nhiêu phần trăm lớp 10, 11, 12?
- Cấu trúc đề thi của kỳ thi quốc gia 2015 sẽ kế thừa thành công của kỳ thi 2014. Theo đó, đề thi cơ bản trong chương trình THPT và chủ yếu là lớp 12. Trong để thi vừa phần nhận biết, vận dụng và vận dụng cao.
Liệu có tình trạng “cha chung không ai khóc”?
-Khi trường coi thi thí sinh vào trường mình các trường đại học sẽ có trách nhiệm hơn là coi thi thí sinh còn không biết sẽ vào trường nào?
- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Các cụm thi Hải Phòng, Quy Nhơn, Cần Thơ… những năm qua được tổ chức theo mô hình này. Sẽ không có chuyện các trường thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức thi.
- Bộ có sợ lộ tỷ lệ tốt nghiệp thấp?
-Tổ chức kỳ thi quốc gia, Bộ có ngại lộ kết quả không tốt? Liệu có xảy ra tình trạng sợ tỷ lẹ tốt nghiệp thấp, các địa phương ép thí sinh thi tại cơ sở tổ chức thi chứ không phải kỳ thi do Bộ tổ chức?
- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ không đặt ra tỷ lệ đỗ, đạt bao nhiêu phụ thuộc vào trình độ của học sinh. Điểm thi của thí sinh năm nay (2015) sẽ được công khai trên các trang mạng”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Không thể có chuyện sợ tỷ lệ tốt nghiệp thấp mà có chuyện ép thí sinh thi tại địa phương. Không ai có thể ép được thí sinh, địa phương nào làm thế sẽ bị xử lý nghiêm.
Tỷ lệ tốt nghiệp thấp Bộ có tổ chức thi lại lần 2?
-Với phương án thi mới các ông có tính tới việc Bộ GD-ĐT có thể đối mặt với tỉ lệ tốt nghiệp không còn là 99%, không như mong muốn của địa phương, và gây xáo trộn xã hội? Nếu tỉ lệ tốt nghiệp thấp, liệu có tổ chức thi lần 2, lần 3?
-Thứ trưởng Bộ GD-DT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD-ĐT không đặt vấn đề đỗ tốt nghiệp bao nhiêu. Điều này sẽ do chính học sinh quyết định. Tôi tin rằng trong kỳ thi năm tới tỉ lệ tốt nghiệp sẽ không biến động nhiều, bởi phổ điểm thi tốt nghiệp năm qua theo hình chuông, tức là điểm thi phân bố đều, không như 2007 (là năm phải tổ chức thi tốt nghiệp lần 2).
Bộ sẽ công bố công khai phổ điểm, xã hội xem để biết chất lượng đề thi, kết quả của thí sinh, trường ĐH, CĐ dựa vào để xét tuyển.
Có hạn chế nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học 2015?
-Có quy định số lượng nguyện vọng mỗi thí sinh được đăng ký không? Nếu không quy định liệu có gây ra tình trạng thí sinh ảo khi các em có thể đăng ký nhiều trường cùng lúc không?
Ông Bùi Văn Ga: Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định. Trước ngày 1/1/2015, các trường sẽ công bố điều kiện của mình. Căn cứ kết quả thi, các em phải lượng sức mà đăng ký. Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Bây giờ tuyển theo yêu cầu của trường và kết quả thi của thí sinh, hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt...
Bộ cũng sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp, để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trên mạng.
Liệu các cụm thi có đủ sức tải thí sinh?
-Một cụm thi từ 30 - 40 nghìn thí sinh, thi theo cụm có đảm bảo không quá tải ở cụm mới không? Cơ sở vật chất có đảm bảo không?
-Ông Mai Văn Trinh: Việc thiết kế kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những gì tốt nhất của “3 chung”.
Việc giao tổ chức các cụm thi cho các trường, địa phương căn cứ vào các tiêu chí sau: Căn cứ năng lực trường đại học về đội ngũ, cơ sở vật chất; Lưu lượng học sinh lớp 12 ở địa phương; Mang thuận lợi cho học sinh, đi lại thuận tiện, gần nhất có thể.
Dựa trên các tiêu chí này, Bộ sẽ mở rộng số lượng cụm thi phù hợp, vừa sức tải của trường, địa phương.
Những thí sinh năm trước, năm nay có gặp khó khăn?
-Những thí sinh năm ngoái chưa đủ điểm đỗ đại học thì ở kỳ thi quốc gia năm nay có gặp khó khăn gì không?
-Ông Trần Văn Nghĩa: Những học sinh năm ngoái thi trượt sẽ được tạo điều kiện tham gia ở kỳ thi năm nay. Nếu thí sinh trượt tốt nghiệp, đăng ký thi tối thiểu 4 môn theo quy định. Thí sinh trượt đại học đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH-CĐ và sẽ căn cứ theo mục 7.1. (Căn cứ kết quả thi, Bộ GD công bố ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ vài chỉ tiêu tuyển sinh của trường Đ-CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân).
Có khống chế số trường tổ chức thi bổ sung?
-Nếu số trường tổ chức thi bổ sung nhiều, Bộ có khống chế số lượng hoặc xử lý như thế nào?
- Bộ quyết định tổ chức kỳ thi quốc gia là muốn cung cấp dữ liệu để các trường dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Tuy nhiên, một số trường, ví như đào tạo các ngành nghiên cứu có thể vẫn tổ chức kỳ thi riêng để đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu riêng thì Bộ cũng tôn trọng.
Bộ không khống chế nhưng mong muốn các trường dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, cao đẳng, hạn chế cồng kềnh, tốn kém.
Quy chế thi sẽ thay đổi như thế nào?
-Khi các trường ĐH được giao quyền chủ trì kỳ thi này, liệu các căn cứ pháp lý có phải sửa không? Nếu có là những gì?
-Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ sẽ sửa các quy chế, đảm bảo hành lang pháp lý. Cụ thể, sẽ làm mới quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ, áp dụng từ năm nay (2015).
-Theo phương án thi đại học 2015, các trường ĐH sẽ căn cứ để xét tuyển, vậy Bộ có công khai phổ điểm từng môn?
-Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ sẽ công bố phổ điểm công khai. Đồng thời, sẽ xác định ngưỡng tối thiểu từng môn, chọn mức xét tuyển cho hợp lý.
Theo H.Minh (ghi)/Người đưa tin
Xem thêm : Đề thi kỳ thi quốc gia 2015 sẽ ra thế nào ?