Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội đang ngày một đến gần với nhiều điểm mới và bài viết dưới đây xin giải đáp những thắc mắc mà nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm.
VOV đưa tin, theo lịch thi được Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra, kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2018 – 2019 sẽ diễn ra vào ngày 7/6. Buổi sáng, học sinh thi Ngữ văn, buổi chiều thi Toán bằng hình thức tự luận.
Phương thức tuyển sinh vẫn được duy trì như năm học trước kết hợp xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Điểm xét tuyển được tính bằng: điểm THCS (kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS) + điểm thi hai môn Ngữ văn, Toán (hệ số 2) + điểm cộng thêm. Mỗi thí sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng khu vực tuyển sinh. Ngoài ra, thí sinh có thể nguyện vọng vào các trường chuyên trên địa bàn và các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Phương thức tuyển sinh vẫn được duy trì như năm học trước kết hợp xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Ảnh: Internet |
Điểm đáng lưu ý, theo quy chế tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ chỉ cộng điểm khuyến khích đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông. Mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa 2 đối tượng liên tiếp nhau là 0,5 điểm.
Theo VietNamnet, nếu không dự thi vào ngày thi chung 7/6, thí sinh có cơ hội được tuyển sinh vào lớp 10 hay không?
Học sinh không dự thi ngày 7/6 được dự tuyển vào các cơ sở giáo dục có dùng phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS, đó là các trung tâm GDNN-GDTX, một số trường THPT công lập TCTC, trường THPT ngoài công lập.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: “Điểm mới năm nay là Sở sẽ bỏ Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10, nên các học sinh có thể không dự thi tuyển sinh vào THPT vẫn có thể học ở các trường ngoài công lập mà chỉ cần đã tốt nghiệp THCS. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập, khi từng đề xuất nhiều năm. Song chúng tôi sẽ quản lý theo phần mềm ngay từ đầu năm, không để hiện tượng giữa năm các trường tự ý đưa học sinh vào. Tạo điều kiện “lỏng” về mặt cơ chế nhưng sẽ làm chặt ở mặt quản lý”.
Thí sinh được đăng ký tối đa bao nhiêu nguyện vọng?
Mỗi học sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập cùng khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào lớp chuyên của các trường: THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Sơn Tây và THPT Chu Văn An. Ngoài ra, học sinh cũng có thể đăng ký dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Trường hợp thí sinh quận này muốn đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT ở quận khác, có được không? (Ví dụ thí sinh quận Hoàng Mai có được đăng ký nguyện vọng vào trường THPT ở quận Cầu Giấy?)
Đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh (KVTS) được chia theo địa giới hành chính.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng vào 2 trường THPT ở cùng một khu vực tuyển sinh nơi học sinh hoặc bố (mẹ) có hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú... được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: Nguyện vọng vào 2 trường THPT công lập phải ở trong cùng một khu vực tuyển sinh. Học sinh phải có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh (theo mẫu do cơ sở giáo dục nơi học sinh học lớp 9 cung cấp), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được Thủ trưởng cơ sở giáo dục xác nhận.
Các trường THPT ngoài công lập được tuyển sinh học sinh toàn thành phố, không phân biệt khu vực tuyển sinh.
Mỗi học sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập cùng khu vực tuyển sinh. Ảnh: Internet |
Những trường hợp nào không cần theo khu vực tuyển sinh?
Những trường hợp sau không theo khu vực tuyển sinh:
+ Học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên tại các trường THPT chuyên và các trường THPT có lớp chuyên.
+ Học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập.
+ Học sinh đăng kí dự tuyển một nguyện vọng vào lớp 10 không chuyên của Trường THPT Chu Văn An hoặc Trường THPT Sơn Tây, nguyện vọng còn lại phải đăng kí theo khu vực tuyển sinh quy định.
+ Học sinh đăng ký dự tuyển học Tiếng Đức (ngoại ngữ 2, hệ 7 năm) tại Trường THPT Việt Đức, nguyện vọng còn lại phải đăng ký theo khu vực tuyển sinh quy định.
+ Học sinh đăng kí dự tuyển học ngoại ngữ Tiếng Pháp, Tiếng Nhật vào các trường có dạy Tiếng Pháp, Tiếng Nhật.
+ Học sinh đăng kí dự tuyển học chương trình thí điểm đào tạo song bằng tú tài.
Năm nay, số học sinh thi vào lớp 10 của Hà Nội tăng mạnh (khoảng 20.000 em) so với năm ngoái. Chỗ học của học sinh liệu có được đáp ứng đủ?
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để đáp ứng, năm nay Sở đã giao tăng chỉ tiêu tùy theo tình hình thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất,... tại các trường. Ngoài ra thành phố đã xây dựng thêm một số trường mới như nhằm giảm bớt áp lực về việc tăng dân số cơ học.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường ngoài công lập cũng được tăng chỉ tiêu. Các trường ngoài công lập được phép đề xuất về chỉ tiêu có thể đáp ứng tùy theo cơ sở vật chất đầu tư mới của nhà trường và Sở GD-ĐT xét duyệt.
Cách tính điểm xét tuyển vào các trường THPT công lập được thực hiện như thế nào?
Theo kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt, năm học 2018-2019 Hà Nội vẫn áp dụng phương thức tuyển sinh như năm học trước đó là “kết hợp xét tuyển với thi tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Điểm xét tuyển được tính bằng tổng của điểm THCS, điểm thi (đã tính hệ số 2) và điểm cộng thêm.
Trong đó, điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm học cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó. Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được tính như sau:
Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5,0 điểm;
Hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm;
Hạnh kiểm khá và học lực khá: 4,0 điểm;
Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình: 3,5 điểm;
Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá: 3,0 điểm;
Trường hợp còn lại: 2,5 điểm
Cơ hội của học sinh được tiếp cận với chương trình đào tạo song bằng cấp THPT của Hà Nội như thế nào?
Một trong những điểm mới năm nay là ngoài Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam tuyển sinh 2 lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (Chứng chỉ A-level).
Như vậy, theo kế hoạch năm học 2018-2019, thành phố sẽ có 2 trường THPT công lập tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài, cụ thể là:
Để có thể trúng tuyển, học sinh phải dự tuyển 3 vòng:
Vòng 1 - Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam vào ngày 7/6 (buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán, cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên);
Vòng 2 -Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc vào ngày 10/6 (buổi sáng thi môn Toán bằng tiếng Anh và môn Vật lý bằng tiếng Anh; buổi chiều thi môn tiếng Anh và môn Hóa học bằng tiếng Anh);
Vòng 3 - Phỏng vấn vào ngày 18/6.
Sau khi kết thúc chương trình đào tạo song bằng này, học sinh có thể nhận được bằng/chứng chỉ gì?
Sau khi kết thúc chương trình học, thí sinh sẽ thi THPT quốc gia để được xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia Việt Nam và phải thi theo chuẩn của Cambridge để nhận chứng chỉ A-level (nếu đạt). A-level được công nhận bởi tất cả các trường đại học tại Anh cũng như các trường và tổ chức quốc tế tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Có chứng chỉ A-level trong tay cũng như là có “tấm hộ chiếu” vào học tại các trường đại học danh tiếng ở Anh và trên thế giới.
Được biết, từ năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ tuyển sinh lớp 10 bằng bài thi tổ hợp nhiều môn. Vì sao và cơ sở nào mà Sở GD-ĐT lại đưa ra hình thức thi này?
Từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học). Sở GD-ĐT Hà nội sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.
Ảnh: Internet |
Trong đó, các bài thi Toán, Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) và kết quả bài thi trên phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính.
Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019-2020 nhằm mục đích khắc phục các hạn chế của phương thức cũ, triển khai mạnh công cuộc đổi mới giáo dục, chủ động đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng các yêu cầu về đổi mới dạy học.
“Phương thức “kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 THPT đã được áp dụng từ năm học 2005-2006 bộc lộ nhiều hạn chế như tạo nên hiện tượng học lệch, học sinh chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán mà chưa tập trung các môn còn lại, như vậy chưa đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS. Ngoài ra, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên; việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các trường khác nhau.
Việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới; bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình SGK mới là “theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”. Bài thi tổ hợp có môn Ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cáo chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông.
Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.
Ngoài việc gấp rút tổng hợp kiến thức, thí sinh cần lưu ý một số quy chế sau để tránh mắc sai lầm, làm ảnh hưởng đến kết quả của kỳ thi quan trọng này:
- Thí sinh đi trễ quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi, dù bất cứ lý do gì. Thí sinh nào đi muộn, nếu chưa đến giờ làm bài sẽ bị lập biên bản rồi vào thi bình thường. Trường hợp thí sinh đi muộn nhưng chưa quá 15 phút tính từ thời gian bắt đầu làm bài thì sẽ làm bài ở phòng thi dự phòng.
- Thí sinh cũng lưu ý chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. không được mang điện thoại vào phòng thi. Đây là điều rất quan trọng, phụ huynh, cán bộ coi thi cần nhắc thí sinh thật kỹ trước khi các em vào phòng thi.
- Đề thi, giấy thi, giấy nháp của thí sinh được bảo quản và nộp cho trưởng điểm sau buổi thi. Nếu trong suốt buổi thi, thí sinh bị ốm không thể làm bài và tự nguyện không nộp bài sẽ được coi là vắng thi.
Những thí sinh phạm lỗi một lần, nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác sẽ bị khiển trách. Hình thức cảnh cáo được áp dụng với thí sinh tiếp tục vi phạm quy chế sau khi bị khiển trách; trao đổi bài hoặc giấy nháp với thí sinh khác, chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.
Ảnh: Internet |
Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của môn đó. Thí sinh bị cảnh cáo bị trừ 50% tổng điểm của bài thi vi phạm. Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50 điểm toàn bài.
Bài thi sẽ bị chấm điểm 0 nếu được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có chữ viết của hai người trở lên, có 2 bài làm trở lên đối với một bài thi.
- Hủy kết quả bài thi nếu thí sinh vẽ, viết vào tờ giấy thi nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác; sửa chữa bài làm sau khi đã nộp bài hoặc nộp bài của người khác.
Trang Vũ (Tổng hợp)