Tin tức mới nhất trên Vnexpress cho hay sáng nay 23/3, Bộ Y tế đã công bố 3 ca nhiễm virus corona, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam lên 116 người.
Đáng chú ý là ca nhiễm thứ 116 là bác sĩ BV Nhiệt đới Trung ương. Đây cũng là nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam bị lây nhiễm chéo.
Virus corona có khả năng lây nhiễm chéo. Ảnh: Internet
Thông tin cho hay, bác sĩ nam 29 tuổi, làm việc tại khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Đông Anh.
Bác sĩ này tham gia chống dịch từ ngày 31/1 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi nhiễm đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và cấp cứu một số bệnh nhân nặng.
Trong quá trình làm việc, bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, bác sĩ nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.
Đến ngày 19/3, bác sĩ này xuất hiện triệu chứng đau rát họng và sang ngày 20/3 xuất hiện thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt.
Nam bác sĩ này sau đó đã tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với nCoV và gửi mẫu bệnh phẩm sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Các nhân viên y tế cùng làm việc với nam bác sĩ này đã đưa vào diện giám sát.
Xét nghiệm lần đầu ngày 21/3, tất cả nhân viên này âm tính với nCoV. Hiện tại bệnh nhân được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định.
Trước thông tin xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo tại bệnh viện, không ít người đã lo lắng.
Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1, TP HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ loại bệnh nào.
Ca bệnh thứ 116 là bác sĩ tại BV Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Internet
"Đó là sự lây truyền vi khuẩn hoặc virus giữa người với người, từ các dụng cụ, thiết bị y tế sang người hoặc có thể xảy ra bên trong cơ thể. Nguy cơ lây nhiễm chéo đáng sợ nhất có thể kể đến khi người bệnh vào bệnh viện mà không được phát hiện, kiểm soát triệt để. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như bệnh viện (khu cách ly) hoặc nhân viên y tế quá tải, thiếu thốn về dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế trong quá trình chăm sóc người bệnh", bác sĩ Khanh cho biết.
Cũng theo bác sĩ Khanh, để hạn chế lây nhiễm chéo cần 'kiểm soát đầu vào' của người nhập viện. Việc này đang dược thực hiện tốt trong mùa dịch Covid-19 như đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm hay khai báo thông tin y tế.
Ngoài ra để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, mỗi người đều cần có ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng.
Virus corona có thể lây truyền qua dịch tiết hầu họng khi tiếp xúc gần với người bệnh.
Trước đó, trong buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 18/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định Hà Nội bắt đầu xuất hiện trường hợp lây nhiễm chéo từ cán bộ đang thực thi công vụ, ví dụ nhưu trường hợp cán bộ an ninh của cảng hàng không quốc tế Nội Bài, theo VOV giao thông.
Lây nhiễm chéo là sự lây truyền của vi sinh vật có hại (thường là vi khẩn và virus) giữa người với người, từ dụng cụ thiết bị sang người hoặc có thể xảy ra bên trong cơ thể.
Lây nhiễm chéo diễn ra do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus...